Một hộ ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) nuôi bò trong khu dân cư
Hơn chục năm nay, tại thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt (Kim Thành, Hải Dương), hộ ông Nguyễn Văn Vường nuôi bò ngay trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Chuồng nuôi bò này ở cuối con đường thôn, xung quanh có hơn chục hộ dân của hai thôn Cam Đông, Cam Thượng (cùng xã Tuấn Việt) sinh sống và cách một trường học hơn 300 m. Chuồng xây theo kiểu chuồng hở, ống thoát nước thải xả thẳng ra một con kênh bên cạnh. Phân bò không được xử lý mà tập trung lộ thiên trên nền đất. Mỗi khi có gió từ phía bắc thổi qua, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà nhiều hộ dân xung quanh.
Phân bò được tập hợp thành đống, sau đó chủ nuôi bò sẽ đốt, bán lại cho người có nhu cầu mua. “Những lúc ấy khói bốc lên, theo gió bay vào nhà chúng tôi, ăn bát cơm không nổi”, một người ở thôn Cam Đông bức xúc nói.
Nhiều người đã kiến nghị với chủ chuồng nuôi, song chủ hộ chỉ khất lần. Một số hộ dân cũng đã phản ánh tình trạng ô nhiễm từ chuồng nuôi bò này đến chính quyền xã Tuấn Việt.
Thời điểm 16 giờ 30 ngày 30/9, người dân đếm được trong chuồng nuôi này có 14 con bò. Theo điểm c khoản 2 điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ, số lượng gia súc tại cùng một thời điểm như vừa nêu được xếp vào loại “chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ”.
Theo Nghị định 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 13, chăn nuôi trang trại quy mô vừa, nhỏ phải có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Kể cả khi chủ chuồng nuôi nói trên giảm số lượng gia súc nuôi cũng phải tuân thủ các quy định liên quan đến việc bảo đảm môi trường, nhất là không được để ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.