Một danh lam thắng cảnh hiếm có tại Đắk Nông được xếp hạng di tích quốc gia

Danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B'Lang có giá trị đặc biệt, hiếm có, vừa mang vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa, vừa ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông.

Núi lửa có hệ thống hang động dài nhất Đông Nam Á

Ngày 27/12, UBND huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang (thuộc địa bàn xã Buôn Choah và xã Nam Đà, huyện Krông Nô).

Danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’lang phân bố ở độ cao khoảng 601m so với mực nước biển. Nhìn từ xa, núi lửa Nâm B’Lang có hình thang cân mang tính giáo khoa điển hình và từ trên cao nhìn xuống núi lửa có dạng hình phễu và khe thoát dòng rất đặc trưng. Đến gần, quan sát rõ các bậc địa hình và sự thay đổi miệng qua các đợt phun trào.

Danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’lang phân bố ở độ cao khoảng 601m so với mực nước biển (Ảnh: H.V.).

Danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’lang phân bố ở độ cao khoảng 601m so với mực nước biển (Ảnh: H.V.).

Thông tin từ các ngành chức năng cho biết, đây là núi lửa đã tạo ra hệ thống hang động có quy mô và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á. Có ít nhất 4 đợt phun trào chảy theo 4 hướng khác nhau (Tây bắc, Đông bắc, Tây nam, Đông nam) và tạo ra 4 hệ thống hang động khác nhau.

Trong đó, hệ thống hang động phía Tây Bắc miệng núi lửa được phân bố xa miệng núi lửa nhất và có đặc điểm phân bố cũng như cơ chế thành tạo hang, cửa hang ở đây rất phong phú và đa dạng.

Núi lửa Nâm B’lang bao gồm hệ thống hang động nằm rải rác, phân bố xung quanh khu vực, có di cốt của người tiền sử với niên đại từ 6,5 đến 7 ngàn năm và được đánh giá là một trong những núi lửa có hệ thống hang động dài độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Cùng với cảnh quan địa hình địa mạo, danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’Lang có thể trở thành bảo tàng địa chất ngoài trời về núi lửa, rất tốt cho việc nghiên cứu chuyên nghiệp lẫn thưởng ngoạn ngoài trời.

Cánh đồng lúa xã Buôn Choah, huyện Krông Nô. (Ảnh: H.V.).

Cánh đồng lúa xã Buôn Choah, huyện Krông Nô. (Ảnh: H.V.).

Ngoài ra, đây là nơi tập trung nhiều dân tộc anh em sinh sống và có bề dày văn hóa truyền thống hết sức phong phú và đa dạng. Đến nơi đây ngoài việc tham quan, trải nghiệm và khám phá thắng cảnh, du khách sẽ được thưởng thức những nét đặc sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số, cũng như phong tục tập quán, sinh hoạt của người dân địa phương.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Núi lửa Nâm B’Lang là một danh lam thắng cảnh có giá trị đặc biệt, hiếm có, vừa mang vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa, vừa ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (địa chất, địa mạo,...) tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông.

Đặc biệt, danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’Lang là một mẫu khá điển hình cho núi lửa Việt Nam, nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Nơi đây, có nhiều tiềm năng để xây dựng, phát triển thành một điểm đến hấp dẫn khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch của địa phương.

Cũng theo thông tin từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ngày 12/3/2024, danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia (tại Quyết định số 611/QĐ-BVHTTDL, ngày 12/3/2024).

Đây là vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, là dịp để tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh và khẳng định giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng phương án quản lý, phát huy giá trị các di tích

Để bảo tồn, phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang nói riêng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nói chung, Phó Chủ tịch Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các ngành có liên quan và UBND huyện Krông Nô triển khai nhiều nhiệm vụ.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm, chỉ đạo trong công tác quản lý các di tích, danh thắng, di sản địa chất theo Luật Di sản Văn hóa và các quy định của pháp luật.

Đồng thời, xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị các di tích, danh thắng, di sản địa chất thật khoa học và hiệu quả, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Huyện Krông Nô tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang. (Ảnh: H.V.).

Huyện Krông Nô tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang. (Ảnh: H.V.).

Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc xây dựng các chương trình du lịch đến với di tích và các danh thắng khác trên địa bàn, tạo những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong thời gian tới.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang. (Ảnh: H.V.).

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang. (Ảnh: H.V.).

Tỉnh Đằk Nông tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để làm sáng tỏ hơn các tầng ý nghĩa của di tích. Đồng thời, nghiên cứu xác lập và đánh giá đầy đủ giá trị các di sản địa chất trong vùng Công viên Địa chất Đắk Nông tiến tới xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền xếp hạng làm cơ sở để bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương....

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mot-danh-lam-thang-canh-hiem-co-tai-dak-nong-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-204241227125948031.htm
Zalo