Một dải biên cương

Nắng tháng Tư, vùng biên giới Đắk Lắk yên bình thơ mộng hơn với sắc thắm cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các nẻo đường xen lẫn với màu xanh của những luống dưa, vườn xoài được chăm bẵm bởi bàn tay cần cù, chịu khó của những người nông dân.

Thiêng liêng cột mốc chủ quyền

Thiêng liêng cột mốc chủ quyền

Đi xuyên những cánh rừng khộp thưa thớt lá vàng là đến vùng đất biên cương đầy nắng gió. Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đây cũng là địa phương có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh với đường biên giới dài hơn 71 km tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Thượng tá Rơ Lan Ngân - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 4 xã thuộc 2 huyện biên giới gồm: xã Ia R’vê, Ia Lốp, Ea Bung (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Nơi đây hội tụ 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, đoàn kết một lòng vì vùng biên chiến lược.

Người dân thôn Dự, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp vui mừng khi nhận được những lá cờ từ Tỉnh Đoàn Lâm Đồng

Người dân thôn Dự, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp vui mừng khi nhận được những lá cờ từ Tỉnh Đoàn Lâm Đồng

Xác định việc gần dân, sát dân và chăm lo cuộc sống cho dân là cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, trong thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk thực hiện phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Nhờ đó mà trong suốt những năm qua, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng quên mình giúp dân trong phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ công tác an sinh xã hội, gìn giữ an ninh trật tự, quản lý, bảo vệ rừng... đã in đậm trong tâm trí người dân khu vực biên giới.

Đến dự lễ khánh thành đường cờ, đường điện thắp sáng cùng hệ thống camera an ninh do Tỉnh Đoàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Đắk Lắk hỗ trợ, ông Lê Đăng Tuyển - Bí thư Chi bộ thôn Dự, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp chia sẻ: “Những năm gần đây, đời sống của bà con được cải thiện nhiều hơn. Đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng mà đã cải thiện đáng kể thu nhập. Từ đó, người dân yên tâm gắn bó với bộ đội biên phòng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương với phương châm “mỗi người dân trên biên giới là một cột mốc sống”. Theo ông Tuyển, tại khu vực xa xôi, bên cạnh việc phát triển kinh tế thì các vấn đề an ninh, an toàn được bảo đảm cũng giúp người dân yên tâm hơn trong cuộc sống, góp phần giữ vững biên cương với sự no ấm, yên bình.

Nhân dân xã Ia Lốp ngày càng đoàn kết, gắn bó, quyết tâm xây dựng và bảo vệ biên giới

Nhân dân xã Ia Lốp ngày càng đoàn kết, gắn bó, quyết tâm xây dựng và bảo vệ biên giới

Theo Thượng tá Rơ Lan Ngân, những năm qua, quán triệt sự lãnh đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trong đó có công tác tham mưu cho ấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho bà con Nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cũng như chính quyền địa phương cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là giúp cho người dân nâng cao nhận thức, thay đổi cách làm, cách nghĩ, từ đó áp dụng khoa học - kỹ thuật và phát triển kinh tế. Đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai rất nhiều dự án lớn trên khu vực biên giới, như kênh mương nội đồng, hệ thống thoát nước, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng Biên phòng, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202504/mot-dai-bien-cuong-f5877d4/
Zalo