Một công ty 'họ FLC' chỉ thu 120 triệu đồng trong quý cuối năm
Doanh thu của FLC GAB trong quý IV/2023 chỉ đạt 120 triệu đồng, giảm sâu so với mức 10 tỷ đồng của cùng kỳ, từ đó dẫn đến khoản lỗ ròng gần 1,7 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (mã chứng khoán: GAB) ghi nhận doanh thu thuần 120 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước xấp xỉ 10 tỷ đồng. Các khoản chi phí khác như lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ nhưng không đủ giúp công ty thoát lỗ. Theo đó, GAB báo lỗ sau thuế gần 1,7 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ông Lưu Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT công ty, lý giải kết quả kinh doanh lao dốc trong quý cuối năm bởi ảnh hưởng khách quan của sự việc liên quan đến cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết dẫn đến các đối tác, tổ chức tín dụng dừng hoặc hạn chế giao dịch với công ty. Yếu tố còn lại là giá cả thị trường có sự biến động mạnh ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như giá cả hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực.
Lũy kế cả năm, GAB thu gần 11 tỷ đồng, giảm đến 94% so với năm trước. Công ty lãi gộp gần 1,2 tỷ đồng nhưng khoản lãi này bị bào mòn bởi chi phí lãi vay 1,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng 2 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 3,3 tỷ đồng. Sau cùng, công ty báo lỗ sau thuế lên đến 6,3 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức lỗ của năm trước.
Khoản lỗ trong năm 2023 khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ còn phân nửa so với thời điểm đầu năm, hiện vào khoảng 5,4 tỷ đồng.
GAB hiện có tổng tài sản gần 239 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với thời điểm đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu tài sản với 92 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm, tiền mặt của công ty chỉ còn 46 triệu đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của GAB là 84 tỷ đồng, tăng hơn 4 tỷ đồng so với đầu năm và hầu hết là nợ ngắn hạn.
GAB hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gạch và buôn bán kim loại. Công ty có vốn điều lệ 149 tỷ đồng. Cổ phiếu GAB trước đây niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM và một số thời điểm có thị giá cao nhất nhì sàn này. GAB từng là hiện tượng vào năm 2020 khi tăng vọt từ mức dưới 10.000 đồng/cổ phiếu lên gần 200.000 đồng/cổ phiếu. Ông Trịnh Văn Quyết nắm quyền chi phối GAB với tỷ lệ sở hữu 51% cổ phần nhưng không giữ vị trí quản lý, điều hành nào tại đây.
Cổ phiếu GAB sau đó bị hủy niêm yết bắt buộc khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho rằng, “tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở Giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư”. Không lâu sau, GAB đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, nhưng cũng bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào diện đình chỉ giao dịch.
Ban lãnh đạo GAB khi đó có văn bản giải trình và nêu biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán. Cụ thể, ban lãnh đạo cho biết đã và đang nỗ lực tìm kiếm đơn vị kiểm toán để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 và cả năm 2022 cũng như báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm và đàm phán không thuận lợi bởi nhiều yếu tố như các đơn vị từ chối hợp tác sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố mặc dù công ty đã khẳng định và cam kết ông Quyết không tham gia điều hành, kinh doanh hay chỉ đạo hoạt động quản trị của công ty.
Ban lãnh đạo cho hay, công ty sẽ tập trung hoàn thiện các báo cáo tài chính sau khi ký kết được hợp đồng với đơn vị kiểm toán, từ đó đưa cổ phiếu thoát khỏi tình trạng hạn chế và đình chỉ giao dịch.