Một cá nhân muốn sở hữu hơn 16% Cảng Rau Quả

Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 25/9 đến 22/10/2024 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh - Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Cảng Rau Quả đăng ký mua 11% vốn.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh - Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Cảng Rau Quả đăng ký mua 11% vốn.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh - Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc của Công ty cổ phần Cảng Rau Quả (mã VGP, sàn HNX) vừa đăng ký mua vào 862.759 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 11,02% vốn của doanh nghiệp này với mục đích đầu tư.

Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 25/9 đến 22/10/2024 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Hiện ông Quỳnh đang nắm giữ 416.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5,32% vốn của công ty. Nếu giao dịch được thực hiện thành công, ông Quỳnh sẽ nâng sở hữu tại VGP lên thành gần 1,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 16,34% và là cổ đông lớn nhất của công ty này.

Trước đó, hồi tháng 4/2024, ông Quỳnh đã mua 221.000 cổ phiếu VGP. Sau giao dịch này, ông Quỳnh nâng sở hữu tại công ty từ 195.000 cổ phiếu (tỷ lệ 2,49%) lên 416.000 cổ phiếu (tỷ lệ 5,32%), qua đó chính thức ngồi vào ghế cổ đông lớn.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của công ty đang là bà Trần Thị Anh Thơ. Bà Thơ cũng vừa rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT công ty từ tháng 6/2024. Trước đó, bà Thơ được bầu vào Hội đồng quản trị tại ĐHĐCĐ ngày 20/09/2020. Đến ngày 28/6/2023, bà được bầu giữ chức Chủ tịch.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh sinh năm 1984, trình độ chuyên môn cử nhân Luật. Ông được bổ nhiệm vào HĐQT từ ngày 21/8/2018, sau đó 2 ngày chính thức trở thành Giám đốc điều hành kiêm đại diện pháp luật.

Tiền thân là Xí nghiệp giao nhận kho vận rau quả, trực thuộc Tổng Công ty rau quả Việt Nam, đơn vị này chính thức đi vào hoạt động ngày 01/07/1991. Từ năm 1996, Xí nghiệp Giao nhận Kho vận Rau Quả đã chuyển thành Công ty giao nhận kho vận rau quả, mở rộng hoạt động kinh doanh các năm sau đó với việc xây dựng 3 bến phao và kéo dài thêm cầu cảng, đầu tư vào các kho lạnh và xây thêm kho khô... Công ty Cổ phần Cảng Rau Quả chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25/05/2001. Doanh nghiệp này cũng là cảng đầu tiên thực hiện cổ phần hóa trong hệ thống cảng khu vực TP.HCM. Tổng Công ty rau quả Việt Nam đã hoàn tất thoái toàn bộ vốn vào năm 2018.

Quý II/2024, doanh thu thuần giảm 1,58% so với cùng kỳ và ở mức 2.734 tỷ đồng, giá vốn giảm 1,48% so với cùng kỳ. Từ đó, kéo theo lợi nhuận gộp giảm 49%. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 26,22% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí bán hàng tăng 11,06% so với cùng kỳ. Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7,04 tỷ đồng, giảm 3,71%. Kết quả trong nửa đầu năm, doanh thu đạt 4.416,03 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế đạt 7,39 tỷ đồng, giảm 3,73% so với cùng kỳ.

Năm 2024, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 12.023 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện 2023 và lãi sau thuế đi ngang ở mức gần 17,2 tỷ đồng. Công ty dự kiến tiếp tục có biến động dàn lãnh đạo, đồng thời lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ với việc phát hành hơn 7,8 triệu cổ phiếu trong năm 2024 hoặc 2025. Bên cạnh đó, VGP cũng có kế hoạch thu hồi công nợ khó đòi, quá hạn của Công ty Otrans và Công ty Vinalimex. Tại cuối năm 2023, VGP ghi nhận nợ xấu gần 29 tỷ đồng với công ty cổ phần Otran Miền Nam và 14 tỷ đồng với công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hạt điều và Hàng nông sản thực phẩm TP.HCM (Vinalimex).

Giao dịch cổ phiếu VGP.

Giao dịch cổ phiếu VGP.

Cổ phiếu của Cảng Rau Quả luôn trong tình trạng thanh khoản rất thấp. Hiện giá cổ phiếu VGP đang giao dịch ở mức 29.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng đi ngang so với thời điểm cuối năm ngoái.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mot-ca-nhan-muon-so-huu-hon-16-cang-rau-qua-d225819.html
Zalo