Một bản Hiến pháp 'của dân, do dân và vì dân'
Mỗi bản Hiến pháp đều đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, làm nền tảng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước 'của dân, do dân và vì dân'.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo ra cho họ quyền không ai có thể xâm phạm được trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, hạnh phúc".
Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hơn một năm sau, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước nhà đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua, gồm 7 chương và 70 điều. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các quyền tự do dân chủ của con người được đạo luật cơ bản ghi nhận và bảo đảm; cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam được xác nhận có tư cách công dân của một nước độc lập, có chủ quyền.
Ngày 31/12/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố bản Hiến pháp năm 1959. Bản Hiến pháp ngoài việc chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc, còn mở rộng phạm vi điều chỉnh của quyền công dân; không chỉ có các quyền dân sự, chính trị mà còn ghi nhận một số quy định trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội một cách rõ ràng và cụ thể hơn.
GS.TS Phạm Hồng Tung - Nguyên Viện trường Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Bản Hiến pháp năm 1959 đã đặt nền tảng pháp lý quan trọng nhất cho việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân ở miền Bắc, đặt cơ sở cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc”.
Từ bản Hiến pháp năm 1946 cho đến bản Hiến pháp năm 2013 hiện đang thi hành, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt các bản Hiến pháp là đảm bảo quyền tự do, dân chủ cho người dân. Trong đó, vào năm 1992, thực tiễn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và bối cảnh toàn cầu hóa mới đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Ông Nguyễn Sinh Hùng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Nguyên Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Bản Hiến pháp năm 1992 cũng là bản Hiến pháp đổi mới, tức là để tiến lên về kinh tế, tiến lên về một nền quản lý Nhà nước, tiến lên tinh thần là phát huy dân chủ nhân dân, để làm sao tập hợp được sức mạnh của toàn dân, giải quyết nhiệm vụ kinh tế. Trọng tâm lúc bấy giờ nếu không giải quyết tốt được kinh tế, thì có thể sẽ gay go về chính trị, mất lòng tin của dân”.
So với bản Hiến pháp năm 1992, ngoài việc bổ sung thêm cụm từ "Nhà nước pháp quyền" thì từ "Nhân dân" ở đây được viết hoa. Đây chính là nội dung được Quốc hội tiếp thu ý kiến nhân dân và đã đưa nội dung này vào bản Hiến pháp. Điều này thể hiện tinh thần “trọng dân”, tiếp tục khẳng định: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.
GS.TS Phan Trung Lý - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Thời gian đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã lấy ý kiến nhân dân và khi đó chúng ta có 28 triệu nhân dân cho ý kiến; trong đó có nhiều ý kiến đã được đưa vào Hiến pháp. Có những điều rất cụ thể như chữ 'Nhân dân' trong Hiến pháp phải viết hoa, cũng là từ ý kiến nhân dân".
Chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đặt ra yêu cầu bổ sung, sửa đổi 8 điều của Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định mạnh mẽ ý chí chủ quyền của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ của nhà nước, chế độ. Việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 sẽ được tiến hành hết sức chặt chẽ, điều này xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và sự quyết định cũng thuộc về nhân dân.
GS.TS Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Quy trình, thủ tục sửa đổi Hiến pháp cần phải hết sức chặt chẽ, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chỉ khi dân đồng ý thì mới được sửa".
Để đảm bảo sự công khai và dân chủ, việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ được lấy ý kiến nhân dân trong một tháng. Nhiều hình thức sẽ được sử dụng để nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình trong việc điều chỉnh bộ luật gốc với mục tiêu kiên định: xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong kỷ nguyên mới của đất nước.