Một bài hát Kpop có thể mua được 6 tòa nhà JYP
Doanh thu mà ca khúc Kpop này kiếm được khiến ai cũng phải thán phục.
Trong tập phát sóng ngày 16/5 vừa qua của chương trình "20th Century Hit Song" trên kênh KBS Joy, chủ đề "Những bài hát có mùi tiền có giá trị hàng tỷ đô" đã làm sống dậy ký ức của hàng triệu khán giả yêu nhạc Hàn Quốc khi điểm danh những ca khúc huyền thoại không chỉ thành công về mặt nghệ thuật mà còn là "cỗ máy in tiền" thực thụ cho nghệ sĩ.

'The Angel Who Lost Wings' - Bài hát có thể đổi lấy sáu tòa nhà JYP
Đứng đầu danh sách là bản hit The Angel Who Lost Wings của nhóm nhạc huyền thoại Roo’ra, phát hành năm 1995. Ca khúc được sản xuất bởi Lee Sang Min - một trong những tên tuổi kỳ cựu của làng nhạc Hàn, người gần đây cũng gây chú ý khi tuyên bố sẽ tái hôn sau nhiều năm độc thân.
Theo MC Kim Heechul tiết lộ trong chương trình, mỗi thành viên Roo’ra từng bỏ túi từ 30 đến 50 triệu won mỗi tháng chỉ nhờ một ca khúc. Tổng doanh thu từ ca khúc được ước tính đã vượt quá 10 tỷ won (gần 200 tỷ đồng) - một con số khiến cả ngành công nghiệp giải trí thời đó phải ngả mũ. Lee Sang Min thậm chí từng khẳng định, số tiền kiếm được từ bản hit này đủ để "mua sáu tòa nhà của JYP" - công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc.

Bảng xếp hạng không chỉ là sự tôn vinh về mặt âm nhạc mà còn hé lộ góc nhìn thú vị về giá trị kinh tế khổng lồ mà một ca khúc có thể tạo ra. Chỉ những bài hát mà nghệ sĩ công khai chia sẻ thu nhập mới được đưa vào danh sách, nhưng con số vẫn đủ để khiến người xem choáng ngợp.
Một trong những ví dụ điển hình là OST The Final Match của Kim Min-kyo. Dù ban đầu chỉ là một ca khúc cho album cá nhân, nhưng sau khi được chuyển sang làm nhạc phim truyền hình, ca khúc đã bất ngờ tạo nên cơn sốt, với hơn 700.000 album được bán ra - con số ấn tượng cho thời kỳ đó.
Tương tự, Emergency Room của nhóm izi - một bản ballad từng gây bão năm 2005 cũng được cho là đã mang về hơn 10 tỷ won tiền bản quyền, khẳng định sức sống lâu bền của những bản tình ca chạm đến trái tim khán giả.
Những cái tên gạo cội - Thành công đo bằng hàng tỷ won
Đáng chú ý, ca khúc Invisible Love (1991) của "ông hoàng ballad" Shin Seung-hun đứng thứ ba với ước tính 3,56 tỷ won tiền bản quyền. Bản hit không chỉ giúp anh giành được hàng loạt giải thưởng mà còn lập kỷ lục Guinness Hàn Quốc với số lần đứng hạng nhất nhiều nhất trong năm.
Trong khi đó, Fire Engine với bản hit Please Tell Her for Me (1987) đứng ở vị trí thứ hai, với doanh thu hằng năm đạt khoảng 5 đến 6 tỷ won vào thời kỳ đỉnh cao. Đáng tiếc, lịch trình biểu diễn quá dày đặc đã khiến nhóm kiệt sức và phải tan rã - minh chứng cho cái giá đằng sau sự nổi tiếng.
Daring Woman của Seo Joo-kyung ghi dấu ấn khi được biểu diễn tới hơn 4.400 lần trong một năm - con số khổng lồ cho bất kỳ nghệ sĩ solo nào. Girls’ Generation của Lee Seung-chul cũng được mệnh danh là "báu vật bản quyền" bởi mức doanh thu ổn định theo năm dù đã ra mắt từ lâu.
Ở vị trí thứ 8, Kim Jang-hoon - được biết đến như một "ông hoàng sân khấu" gây choáng khi tiết lộ từng có hơn 300 buổi biểu diễn mỗi năm, giúp ca khúc I Am a Man đưa thu nhập hàng năm của anh lên tới 8 tỷ won.

Kim Jang-hoon
Không chỉ là những con số, chương trình còn mang đến nhiều câu chuyện hậu trường hấp dẫn, cho thấy sự "may rủi" trong việc phát hành và quảng bá một ca khúc. Điển hình như The Final Match vốn không được kỳ vọng quá nhiều, nhưng nhờ một quyết định "xoay chuyển tình thế" từ nhà sản xuất, ca khúc đã trở thành biểu tượng của thế hệ 8x, 9x Hàn Quốc.
Bảng xếp hạng lần này không chỉ là hồi tưởng về một thời hoàng kim của Kpop, mà còn nhấn mạnh sức mạnh thương mại to lớn của âm nhạc - nơi chỉ một bài hát cũng có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một nghệ sĩ.