Mong từ chức sẽ trở thành văn hóa

Việc tự nguyện từ chức cũng phản ánh đúng quy luật 'có vào, có ra', 'có lên, có xuống' trong công tác cán bộ.

Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra bàn thảo rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn là cho cả chặng đường dài phía trước.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Trung ương đã tiến hành thảo luận và quyết định một số nội dung về công tác cán bộ. Theo đó, Trung ương đã khai trừ 1 Ủy viên và cho thôi chức 3 Ủy viên khác.

Quyết định của Trung ương căn cứ vào các quy định hiện hành, trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức Đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ.

Các ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; Nguyễn Thành Phong, Phó ban Kinh tế T.Ư và Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN (từ trái sang phải) được Trung ương đồng ý cho thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII

Các ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; Nguyễn Thành Phong, Phó ban Kinh tế T.Ư và Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN (từ trái sang phải) được Trung ương đồng ý cho thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII

Đáng chú ý, 3 Ủy viên được cho phép thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII trước đó đều đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, do có những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình công tác.

Có thể thấy, những diễn biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân.

Việc cho thôi chức 3 Ủy viên Trung ương sau khi có quyết định kỷ luật cũng cho thấy tính gương mẫu, nghiêm minh trong việc thực hiện các quy định của Đảng.

Điều này một lần nữa khẳng định thêm tinh thần mà Đảng từng nhiều lần khẳng định: Nói phải đi đôi với làm; sẵn sàng đưa ra khỏi đội ngũ những người không còn xứng đáng.

Bên cạnh đó, việc cho thôi chức 3 Ủy viên Trung ương sau khi những cán bộ này bị kỷ luật cũng có thể xem là bước cụ thể hóa Thông báo số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Văn bản này nêu rõ, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Đây chính là điểm mới, rất cụ thể và chắc chắn những người có muốn bấu víu cũng không có cớ để không tự nguyện từ chức.

Bởi, nếu cá nhân không từ chức, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét miễn nhiệm. Nói cách khác, khi một cá nhân có vi phạm, khuyết điểm và bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút không thể tại vị.

Như vậy, việc tự nguyện từ chức không còn là việc hô hào nữa, mà nó đã được quy định rất cụ thể.

Rõ ràng với việc một số Ủy viên Trung ương được cho thôi chức, có thể thấy những quy định mới của Đảng đã thật sự đi vào thực tiễn. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương đã nêu gương thực hiện trước tiên.

Mong rằng, tiền lệ tốt này sẽ lan tỏa, tạo thành hiệu ứng, được cấp ủy các cấp hưởng ứng và triển khai thực hiện.

Khi đó, chắc chắn văn hóa từ chức sẽ hết sức bình thường đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chứ không phải là câu chuyện nặng nề như trước.

Mặt khác, việc tự nguyện từ chức cũng phản ánh đúng quy luật “có vào, có ra”, “có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, tránh được hiện tượng có những cán bộ bị kỷ luật xong lại được cất nhắc vào vị trí tương đương, thậm chí một thời gian sau còn thăng chức.

Nói như Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trong một hội nghị về công tác cán bộ gần đây: “Ông nào đã bị kỷ luật rồi thì làm sao có lòng tin của nhân dân được…”.

TS Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mong-tu-chuc-se-tro-thanh-van-hoa-d568515.html
Zalo