Mong sớm có trường mới
Điểm trường số 3 thôn Ka Lúc thuộc Trường mầm non Sơn Lâm ở xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận xuống cấp nghiêm trọng, cô, trò và nhân dân nơi đây đang mong từng ngày có trường mới.
Sân trường biến thành ao nước khi mưa
Trường mầm non Sơn Lâm nằm ở xã Phan Sơn, có 5 điểm trường, với 476 học sinh của 2 xã Phan Sơn và Phan Lâm. Trong đó có điểm trường số 3 ở thôn Ka Lúc thuộc xã Phan Sơn khó khăn nhất không chỉ về điều kiện sống của các em mà còn môi trường học tập. Toàn điểm trường có 57 em từ 3 đến 6 tuổi, đa số dân tộc Raglay.
Cô Trần Thị Hương, 1 trong 4 giáo viên dạy ở điểm trường cho biết, lớp cô có 30 em, trong đó có 1 em dân tộc Kinh còn lại là dân tộc Raglay, phần lớn thuộc hộ nghèo. Chính vì vậy, việc tổ chức bán trú cho học sinh khó khăn, khi có tiền thì phụ huynh đóng cho con ăn, còn không có thì đón về mặc dù mỗi bé chỉ đóng hơn 20.000 đồng/ngày.
Nhiều khi các cô thấy phụ huynh đón con về, thương các con nên nói phụ huynh cứ để các con ở lại trường ăn khi nào có tiền gửi cô nộp cho thủ quỹ. Vì một khi phụ huynh không có tiền đóng cho con ăn thì về nhà các con sẽ ăn uống không đảm bảo, ảnh hưởng đến việc học.
Điều kiện sống là vậy, lại học ở môi trường chưa đảm bảo. Trường chật hẹp, xuống cấp trầm trọng, mùa mưa sân trường biến thành ao, các em chỉ học và chơi trong phòng học. Theo các cô dạy ở đây, điểm trường này vốn là trường tiểu học rồi trở thành điểm trường mẫu giáo. Vào mùa nắng trường còn khô ráo, mùa mưa luôn trong tình trạng ẩm ướt vì đường giao thông trong thôn cao hơn nền nhà của trường. Khi mưa nước từ trên đường chảy xuống sân trường, không có cống thoát, vài ngày sau mới rút, nếu mưa liên tục sân trường trở thành ao nước tù đọng nhiều ngày. Phụ huynh, học sinh vất vả khi đưa đón con em đến trường.
Bà Trần Thị Thậm có con học ở điểm trường chia sẻ, phụ huynh ở đây ai cũng mong ngành chức năng sửa chữa hoặc xây mới lại trường, chứ để tình trạng này không khác nào chúng tôi đưa con em lên nương, rẫy học. Nhiều năm qua, cứ nghe nói trường chuẩn bị xây, sửa mà không thấy xây.
Sớm xây mới
Cô Hoàng Thị Mỹ Kiều - Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Lâm cho biết, trường có 5 điểm trường, trong đó điểm trường số 3, thôn Ka Lúc khó khăn nhất về cơ sở vật chất. Lần họp nào ở xã, huyện, chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh, huyện, xã quan tâm sửa hoặc xây mới điểm trường.
UBND xã Phan Sơn cũng rất quan tâm, có kiến nghị liên tục, huyện có về điểm trường khảo sát. Ban đầu tính sẽ sửa chữa, nhưng thấy trường đã xuống cấp trầm trọng nên thay đổi kế hoạch không sửa mà xây mới. Ông K Bảy - Chủ tịch UBND xã Phan Sơn cho biết, thời gian qua ngành chức năng có liên quan có về khảo sát điểm trường, nhận thấy sửa chữa thì rất uổng phí không khéo lại đội vốn bằng tiền xây mới vì trường đã quá xuống cấp và đường giao thông trong thôn cao hơn nền nhà của trường. Chính vì vậy ngành chức năng thay đổi kế hoạch sửa, xin chủ trương xây mới, có thể sẽ xây trong giai đoạn 2026 – 2030.
Điều này được bà Lê Thị Kim Hoa - Trưởng Phòng giáo dục huyện Bắc Bình thông tin, UBND huyện đã gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và đề xuất kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Trong đó có ghi vốn sửa hoặc xây mới các trường học bao gồm điểm trường số 3 thôn Ka Lúc.
Đây là tin vui đối với cô, trò và nhân dân Ka Lúc, nhưng họ mong muốn ngành chức năng triển khai xây trường sớm ngày nào hay ngày đó vì khí hậu ngày càng khắc nghiệt, mưa bão nhiều. Điển hình, mùa mưa năm 2024, giông bão kèm theo mưa liên tục, ảnh hưởng đáng kể đến việc dạy và học của cô, trò ở điểm trường.