Mong sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính

Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép cá nhân có quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính. Sau hơn 7 năm kể từ ngày có hiệu lực (từ 1-1-2017), bộ luật này vẫn còn thiếu hành lang pháp lý để cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, người song tính/lưỡng tính và người chuyển giới) được thực hiện can thiệp y khoa nhằm trở về với giới tính thật của mình.

Cộng đồng LGBT mong dự thảo Luật Chuyển đổi giới sớm được thông qua. Ảnh minh họa: nguồn internet

Cộng đồng LGBT mong dự thảo Luật Chuyển đổi giới sớm được thông qua. Ảnh minh họa: nguồn internet

Mong được công nhận giới tính thật

Theo thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh (Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), ngoài cộng đồng LGBT, còn có cộng đồng LGBTQ+ (người có xu hướng tính dục đặc biệt, không nhận định được bản thân thuộc bất cứ giới nào).

“Dù là LGBT hay LGBTQ+ thì pháp luật và y khoa vẫn không xem đó là bệnh tật. Cho nên, dù là giới tính nào, mang xu hướng tính dục nào, LGBT hay LGBTQ+ đều có quyền được sống, yêu thương, tôn trọng trong một xã hội bình đẳng, tiến bộ” - thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh bày tỏ.

“Dự thảo Luật CĐGT được xây dựng đã mang đến niềm vui, sự kỳ vọng rất lớn từ cộng đồng LGBT, LGBTQ+ trên địa bàn tỉnh và cả nước. Đó là một bước tiến mới trong bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội” - luật sư LÊ ĐÌNH LÝ (Đoàn Luật sư Đồng Nai) bày tỏ.

Trong khi đó, xã hội hiện vẫn còn định kiến, kỳ thị cộng đồng LGBT, LGBTQ+.

Anh M.T. (một đồng đẳng viên tại thành phố Long Khánh) chia sẻ, mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép cá nhân có quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính (Điều 36 và Điều 37) nhưng cộng đồng LGBT hay LGBTQ+ vẫn chưa thể thực hiện được việc này, vì chưa có luật chuyên ngành hướng dẫn. Do đó, cộng đồng LGBT, LGBTQ+ đang mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT) để họ được trở về và sống thực với giới tính mong muốn.

Nhiều quy định nhân văn

Để đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng LGBT hay LGBTQ+, sự quản lý xã hội, bảo vệ quyền CĐGT của cá nhân theo quy định pháp luật…, dự thảo Luật CĐGT ra đời và được cơ quan soạn thảo công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 11-12-2023. Dự thảo Luật CĐCT có 7 chương, 33 điều, trong đó có nhiều quy định được dư luận quan tâm như: Nguyên tắc CĐGT (Điều 6), Quyền người CĐGT (Điều 7), Các phương pháp thực hiện can thiệp y học để CĐGT (Điều 9)…

Luật sư Lê Đình Lý (Đoàn Luật sư Đồng Nai) bày tỏ, dự thảo Luật CĐGT được xây dựng trên cơ sở Nhà nước, pháp luật thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân của người CĐGT. Đồng thời, Nhà nước, pháp luật tạo điều kiện cho người đề nghị can thiệp y học để CĐGT được lựa chọn hình thức thực hiện can thiệp y học phù hợp với sức khỏe, tâm lý, khả năng tài chính và mong muốn của mình.

Trong đó, Nhà nước có chính sách, biện pháp đồng bộ, tạo điều kiện cho người đã can thiệp y học để CĐGT được thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân phù hợp với giới tính mới theo quy định của pháp luật. Đảm bảo sự ổn định, không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ dân sự mà người đó đã xác lập trước khi được công nhận là người CĐGT và các quyền, nghĩa vụ trong quan hệ cha, mẹ, con về mặt giấy tờ pháp lý, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi…

Luật gia Nguyễn Thị Hồng (Hội Luật gia tỉnh) đánh giá, dự thảo Luật CĐGT đang được cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của tất cả các giới, ngành, chuyên gia… để hoàn thiện. Qua nghiên cứu, dự thảo luật có nhiều nội dung, quy định nhân văn, nhân ái và thấu hiểu.

Chẳng hạn, nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử, đưa thông tin sai lệch đối với người CĐGT, gia đình và người thân của họ và nghiêm cấm triệt sản trong quá trình can thiệp y học mà không được sự đồng ý của người đề nghị can thiệp y học để CĐGT (Điều 5). Được giữ nguyên quan hệ cha, mẹ, con cũng như quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân gia đình trước khi CĐGT, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi và được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam (Điều 7). Tư vấn tâm lý và xác định bản dạng giới khác với giới tính sinh học hoàn thiện của người đề nghị can thiệp y học để CĐGT trước khi thực hiện can thiệp y học (Điều 15)…

“Một khi cộng đồng LGBT hay LGBTQ+ được trả lại đúng với giới tính mà họ đang khao khát hướng tới bằng can thiệp y khoa hoặc thủ tục pháp lý thì đó mới là sự hạnh phúc thật sự của cộng đồng LGBT, LGBTQ+. Nhất là việc CĐGT của họ được xã hội nhìn nhận, tôn trọng một cách đầy đủ nhất nhờ có hành lang pháp lý” - luật gia Nguyễn Thị Hồng bộc bạch.

Diễm Quỳnh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202404/mong-som-ban-hanh-luat-chuyen-doi-gioi-tinh-6dd67c1/
Zalo