Mong người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền mong người dân ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn) tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thuận góp sức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ của tỉnh và địa phương, trong đó có dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19.

Sáng 18/4, tại Nhà thi đấu thể thao xã Bình Trị (Bình Sơn), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với nhân dân ở thôn Lệ Thủy (Bình Trị) để thông tin, giải thích một số nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19.

Dự buổi gặp gỡ có lãnh đạo Chi Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và Môi trường); Vụ Đánh giá và Thẩm định công nghệ (Bộ KH&CN) cùng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, UBND huyện Bình Sơn, Ban Giám đốc Công ty CP Bột - Giấy VNT19 và đông đảo người dân thôn Lệ Thủy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền gặp gỡ người dân thôn Lệ Thủy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền gặp gỡ người dân thôn Lệ Thủy.

Tại buổi gặp gỡ, đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng đã thông tin, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19, do Công ty CP Bột - Giấy VNT19 làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án được xây dựng tại thôn Phú Long, xã Bình Phước (Bình Sơn), với quy mô 117ha, công suất 350 nghìn tấn bột giấy/nǎm (giai đoạn 1). Tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến sau khi đưa vào hoạt động vào cuối năm 2026, dự án tiêu thụ 1,4 tiệu tấn dăm gỗ/năm, tạo việc làm cho từ 800 - 1.000 lao động, đóng góp vào ngân sách địa phương từ 800 - 1.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng xây dựng Đề án phát triển chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2028 với quy mô 20,5 nghìn héc ta, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Qua đó góp phần hình thành vùng nguyên liệu chất lượng, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Các đại biểu và người dân thôn Lệ Thủy dự buổi gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh.

Các đại biểu và người dân thôn Lệ Thủy dự buổi gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, chủ đầu tư chưa thể tổ chức thi công hạng mục tuyến thoát nước thải sau khi xử lý ra biển có tổng chiều dài khoảng 5.850m (từ vị trí bể xử lý nước thải nằm trong dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 ra đến mặt biển vịnh Việt Thanh), thuộc các xã Bình Phước và Bình Trị (Bình Sơn). Nguyên nhân vì người dân lo lắng sẽ phát sinh những vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên thông tin, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các trình tự thủ tục, trong đó có việc lấy ý kiến cộng đồng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được Bộ TN&MT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thẩm định, phê duyệt.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đức Trung thông tin đến người dân một số vấn đề liên quan đến môi trường.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đức Trung thông tin đến người dân một số vấn đề liên quan đến môi trường.

Đối với việc thi công tuyến ống xả thải đã qua xử lý của Nhà máy Bột - Giấy VNT19, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bột - Giấy VNT19 Nguyễn Đức Hữu thông tin, hạng mục tuyến thoát nước thải sau khi xử lý ra biển do nhà thầu Aquaflow của Phần Lan thiết kế, thi công mới 100% với công suất 50 nghìn mét khối/ngày đêm. Sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và yêu cầu của người dân, chủ đầu tư bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, phương án giám sát việc xả nước sau xử lý, gồm: Nâng công suất của hồ sự cố từ 20 nghìn mét khối lên 50 nghìn mét khối (thời gian lưu nước thải là 2 ngày); bổ sung hồ sinh học với dung tích 25 nghìn mét khối; bổ sung hồ nuôi cá kiểm chứng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bột - Giấy VNT19 cung cấp, làm rõ một số thông tin người dân quan tâm đến việc thực hiện dự án.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bột - Giấy VNT19 cung cấp, làm rõ một số thông tin người dân quan tâm đến việc thực hiện dự án.

“Doanh nghiệp cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn và không để xảy ra sự cố môi trường bên ngoài. Nếu xảy ra sự cố, nhà máy sẽ dừng hoạt động xả thải; đồng thời bồi thường thỏa đáng và khôi phục môi trường theo đúng quy định”, ông Hữu cam kết.

Tại buổi gặp gỡ, người dân thôn Lệ Thủy bày tỏ lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và nguồn lợi thủy sản nếu Nhà máy Bột - Giấy VNT19 thi công tuyến thoát nước thải sau khi xử lý ra biển. Ông Lê Nhủ, 75 tuổi, ở thôn Lệ Thủy cho biết, biển Lệ Thủy có nguồn lợi thủy sản dồi dào, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân khai thác hải sản ven bờ. Không những vậy, bãi biển Lệ Thủy cũng là nơi thu hút đông đảo du khách đến vui chơi, tham quan, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân sinh sống dọc bờ biển. Nếu chẳng may bị ô nhiễm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.

Ông Lê Nhủ, 75 tuổi, ở thôn Lệ Thủy phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ.

Ông Lê Nhủ, 75 tuổi, ở thôn Lệ Thủy phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ.

Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc, gặp gỡ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, tỉnh luôn trân trọng, lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu với những lo lắng, băn khoăn của người dân khi nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19, đặc biệt là việc thi công hạng mục tuyến thoát nước thải sau khi xử lý ra biển. Lo lắng của người dân cũng là mối bận tâm, trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, tỉnh kiên định với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, mọi sự phát triển là vì phục vụ lợi ích của người dân. Do đó, tỉnh mong người dân tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu kết luận buổi gặp gỡ với người dân thôn Lệ Thủy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu kết luận buổi gặp gỡ với người dân thôn Lệ Thủy.

Đối với dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 được Bộ TN&MT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đưa vào diện giám sát môi trường đặc biệt kể từ bắt đầu triển khai thực hiện đến nay. Do đó, những kiến nghị, yêu cầu chính đáng của người dân, tỉnh tiếp thu và xem xét giải quyết thỏa đáng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, giữa phát triển kinh tế với môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nếu xảy ra sự cố môi trường, trách nhiệm trước hết là của nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Việc xử lý, khắc phục sự cố môi trường phải được phối hợp thực hiện kịp thời, không né tránh, đùn đẩy, để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Do đó, người dân địa phương chủ động tham gia cùng với cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện việc giám sát hoạt động của nhà máy, đặc biệt là vấn đề nước thải.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ đầu tư hệ thống tái sử dụng nước thải, nhằm hạn chế lượng nước thải đã qua xử lý thải ra môi trường. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương công khai, minh bạch các thông tin liên quan quan đến tuyến ống xả thải và vị trí xả nước thải vào nguồn nước của Nhà máy Bột - Giấy VNT19 để người dân hiểu, nắm bắt. Qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo điều kiện tiếp tục thi công để sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động, đảm bảo hiệu quả, an toàn về môi trường, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Tin, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/202504/mong-nguoi-dan-tin-tuong-vao-su-lanh-dao-chi-dao-cua-cap-uy-chinh-quyen-cac-cap-33b2105/
Zalo