Mong muốn điều gì từ những cô gái đội tuyển Việt Nam
Thầy trò HLV Mai Đức Chung đã lên đường tham dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023. Người hâm mộ Việt Nam mong muốn điều gì từ các cô gái của chúng ta ở giải đấu lần này?
Điều chưa thể nói…
Đội tuyển nữ Việt Nam đã đến với World Cup. Nghe cái tên giải đấu này thôi đã đủ bảo chứng cho một kỳ tích lớn lao, vĩ đại. Vâng, đây là nơi quy tụ những đội tuyển mạnh nhất thế giới.
Chúng ta luôn có giấc mơ World Cup, bây giờ bóng đá Việt Nam đã được dự World Cup. Nhưng trong mọi cuộc trò chuyện, người hâm mộ vẫn gọi đây là giải đấu “quá tầm”.
Khi thầy trò HLV Mai Đức Chung lên đường sang New Zealand, người hâm mộ Việt Nam có mờ về một kỳ tích nào đó không?
Trong buổi lễ động viên toàn đội trước ngày lên đường sang New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Đội tuyển nữ Việt Nam là 1 trong 32 đội tuyển nữ mạnh nhất thế giới hiện tại. Lọt vào vòng chung kết World Cup thực sự là niềm tự hào”.
Mổ xẻ, phân tích lời phát biểu của Thủ tướng, chúng ta thấy người đứng đầu Chính phủ không muốn đặt áp lực lên vai các cô gái.
Điều này thật dễ hiểu, bất cứ người dân – fan hâm mộ nào của đội tuyển nữ cũng không muốn đặt gánh nặng lên vai các cô gái, mặc dù chúng ta luôn gọi các cô là những “Chiến binh sao vàng”.
Hơn nữa, đây là lần đầu tiên bóng đá nữ bước ra sân chơi World Cup. Mà trong thể thao, cảm giác lần đầu tiên nó khác lạ lắm. Cũng giống như cái cách mà bóng đá Việt Nam phải chờ đợi tấm HCV Sea Game lần đầu tiên trong lịch sử.
Trong vài ngày qua, đội tuyển nữ Việt Nam trở thành tâm điểm của truyền thông trong nước. Nhưng, gần như không một ai nói tới câu chuyện thành tích tại World Cup lần này.
Từ HLV, cầu thủ, đến người hâm mộ, không ai nhắc tới câu chuyện thành tích, nhưng tất cả cũng đoán định được giấc mơ của nhau. Mơ mộng đến một bàn thắng lịch sử, một trận thắng lịch sử, hơn nữa, là một chiến dịch lịch sử.
Thổi bùng đam mê
Một câu chuyện cũ mèm, đó là việc các tuyển thủ nữ Việt Nam không đủ sống bằng đồng lương. Nguyên do của điều này đến từ nhiều yếu tố. Một phần đến từ giải bóng đá nữ chưa có doanh thu, cũng một phần đến từ cách làm bóng đá của chúng ta chưa được vẹn toàn.
Vậy, khi đồng lương chưa đủ để sống, các cầu thủ làm gì? Họ làm đủ nghề mọi nghề để sống, để nuôi dưỡng đam mê.
Vâng, mỗi người mỗi việc, nhưng cứ ra đến sân bóng, lại là câu chuyện của đam mê với trái bóng tròn, là câu chuyện của trách nhiệm với màu cờ sắc áo, trách nhiệm với những người hâm mộ luôn dõi theo các cô.
Đúng là chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi được sống và thành công với đam mê, giờ đây, các cô gái của chúng ta đã vươn tầm ra thế giới, nơi tập hợp những con người giỏi nhất. Đây chính là thành quả cho quá trình rèn luyện, “nằm gai nếm mật” của những cô gái đầy nghị lực.
Thành công, hạnh phúc cho bản thân, những cô gái của đội tuyển nữ Việt Nam phải làm một cần việc lớn lao hơn, đó là thắp sáng, thổi bùng đam mê cho những thế hệ phía sau.
Chuyện là, ở không ít các gia đình Việt, vẫn có cái nhìn cực kỳ khắt khe với chuyện con gái đi đá bóng. Ở các bậc phụ huynh đã đành nay còn lan ra chính các thiếu nữ. Đúng là đã “nghiện mà còn ngại”, đam mê đá bóng mà cũng chẳng dám nghĩ tới, để hiện thực hóa đam mê.
Những bước chạy của Huỳnh Như và các đồng đội sẽ gắn kết các thành viên trong gia đình ngồi lại với nhau bên màn hình ti vi. Những va đập trong suy nghĩ sẽ diễn ra, về cái cách các cô gái đội tuyển nữ Việt Nam theo đuổi đam mê, sống với đam mê. Lớn hơn, việc thi đấu là trách nhiệm, là đóng góp công sức cho Tổ quốc.
Từ những cá thể, nhưng gia đình sẽ thúc đẩy cái nhìn chung của toàn xã hội. Và chúng ta sẽ tin tưởng một tương lai phát triển toàn diện đối với bóng đá nữ nước nhà.
Quảng bá văn hóa Việt
Tại sao các cầu thủ ăn mừng lại phấn khích đến như vậy? Chà, thật là quá lố. Chà, thật là thiếu tôn trọng đồng nghiệp,... Những suy nghĩ của chúng ta sẽ phản xạ một cách tức thời như vậy, khi nhìn những vũ điệu ăn mừng bàn thắng.
Nhưng, thông điệp quan trọng nhất khi mà các cầu thủ thực hiện những hành động trên, đó là họ yêu văn hóa dân tộc và muốn quảng bá văn hóa dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Bóng đá chính là cầu nối để quảng bá văn hóa của một quốc gia ra toàn thế giới. Các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, những quốc gia chủ nhà cho các ngày hội thể thao lớn vẫn làm điều này.
Vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, khi mà các giải vô giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu chưa bắt đầu, truyền thông quốc tế, những tờ báo danh tiếng của thế giới sẽ tập trung vào World Cup bóng đá nữ và ở đây, có đội tuyển nữ Việt Nam.
Những cô gái của chúng ta, sẽ đá bóng trên sân cỏ New Zealand, đồng thời, biến nơi đây thành sân khấu để quảng bá văn hóa, tinh thần con người Việt Nam.
Lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, quốc ca Việt Nam được vang lên và quan trọng hơn hết, thế giới sẽ thấy được nghị lực của con người Việt Nam.
Mà điều kiện cho chúng ta thể hiện nghị lực, bản lĩnh, tinh thần vượt khó thì đã rõ. Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu với đội tuyển Mỹ (số 1 thế giới trên BXH FIFA) và đội tuyển Hà Lan (xếp hạng 5 thế giới trên bảng xếp hạng FIFA).
Với khoảng cách rất xa về trình độ, chúng ta hình dung những nền bóng đá hàng đầu thế giới muốn đội tuyển Việt Nam ra mà đá, sẽ áp chế theo thế cửa trên.
Nhưng tất cả đều biết rằng, trong cái thế “nhỏ đánh lớn, yếu đánh mạnh”, lịch sử Việt Nam đã có những cột mốc bằng vàng.
Thắng Nguyễn
Nguồn ảnh: Internet, Youtube.