Mong muốn bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được dịch sang song ngữ

Việc thực hiện mô hình như 'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả', 'di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn' đã góp phần hình thành những chuẩn mực văn hóa của người dân, tiểu thương; qua đó góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Sáng 6/8, Đoàn Kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc TP Hà Nội, QTƯX nơi công công trên địa bàn TP tiến hành kiểm tra tại quận Hà Đông và Hai Bà Trưng.

Đoàn Kiểm tra Quy tắc ứng xử tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Cẩm Tú

Đoàn Kiểm tra Quy tắc ứng xử tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Cẩm Tú

Không chèo kéo, ép giá

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội được niêm yết công khai, dễ thấy tại cổng ra vào, gần với sơ đồ thoát hiểm và bố trí phương tiện; bản cam kết PCCC của Ban Quản lý chợ. Đồng thời, tại các kiôt kinh doanh, bộ QTƯX nơi công cộng cũng được niêm yết ở địa điểm dễ quan sát... Tại địa điểm trông giữ xe, phương tiện được sắp xếp gọn gàng, công khai giá, nhân viên có đeo thẻ.

Tương tự, tại quận Hà Đông, các cửa hàng kinh doanh trên phố lụa Vạn Phúc đều niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết tại một cửa hàng kinh doanh tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Cẩm Tú

Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết tại một cửa hàng kinh doanh tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Cẩm Tú

Để có được kết quả trên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đình Tuyên cho biết, thực hiện mô hình tuyên truyền chợ văn minh, Phòng đã làm điểm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, hướng dẫn tiểu thương các nghiệp vụ bán hàng, thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép giá du khách sử dụng sản phẩm, thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quân Hai Bà Trưng Thành Thị Kiều Oanh cho biết thêm: UBND quận đã tổ chức tập huấn các nội dung QTƯX cho Ban Quản lý các chợ, đưa nội dung QTƯX vào nội quy chợ. Đồng thời tổ chức ký cam kết giữa các hộ kinh doanh với cơ quan chức năng về chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong kinh doanh, buôn bán.

Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tuyên truyền, vận động hội viên kinh doanh khối chợ thực hiện văn hóa ứng xử văn minh thương mại gắn với 4 phẩm chất đạo đức “tự tin - tự trọng – trung hậu - đảm đang”. Các tiểu thương cùng nhau trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm về văn hóa ứng xử văn minh thương mại tại chợ như: sắp xếp hàng hóa kinh doanh gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy, dễ lấy; giao tiếp với khách hàng và đồng nghiệp văn minh, lịch sự; không nói thách giá quá mức; giữ gìn vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại chợ; không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả…

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được tại 2 quận, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hoàng Thu Hồng – thành viên Đoàn kiểm tra chia sẻ: "Khi triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, chúng tôi nhận thấy nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, chợ truyền thống không thu hút được người mua như trước do sự cạnh tranh của hệ thống bán hàng online, các cửa hàng tiện ích và trung tâm thương mại, siêu thị. Từ thực tế đó, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tiểu thương nhận thức được những lợi ích khi môi trường chợ truyền thống trở nên văn minh hơn. Như việc, niêm yết giá để người dân đến chợ không phải mặc cả, có thể dùng mã QR để thanh toán… nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chợ truyền thống và những loại hình kinh doanh khác. Tính đến nay, mô hình man lại những hiệu quả thiết thực, tiểu thương đồng thuận hưởng ứng, 20 mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” đã được triển khai trên địa bàn TP".

Đổi mới hình thức tuyên truyền

Cũng trong sáng 6/8, kiểm tra tại các di tích trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và Hà Đông, Đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện QTƯX nơi công cộng, gắn với mô hình “di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”.

Khách du lịch quốc tế tham quan di tích chùa Viên Minh (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Cẩm Tú

Khách du lịch quốc tế tham quan di tích chùa Viên Minh (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Cẩm Tú

Đơn cử, quận Hai Bà Trưng đã triển khai thực hiện “Tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận để phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch”. Dự án thực hiện các nội dung: số hóa tài liệu, tạo lập kho dữ liệu; số hóa 3D hiện vật, không gian cảnh quan di tích; phần mềm quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu; hạ tầng công nghệ thông tin lưu trữ và cài đặt phần mềm quản lý kho dữ liệu số hóa. Tổ chức giới thiệu và ra mắt Website “360 độ di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập quận Hai Bà Trưng (1961 - 2024).

Đoàn Thanh niên quận Hai Bà Trưng đã xây dựng kế hoạch để triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2021 - 2025” nhằm mã hóa dữ liệu các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn quận; phối hợp Đoàn Thanh niên các trường đại học trên địa bàn quận trong công tác tạo lập mã QR của các di tích. Từ năm 2021 đến nay đã triển khai thành công 26 mã QR tại 28 điểm di tích lịch sử đưa vào ứng dụng.

Theo Phó Trưởng Ban Quản lý di tích phường Vạn Phúc (Hà Đông) Đỗ Xuân Thủy, từ năm 2017 đến nay, khi triển khai thực hiện QTƯX nơi công cộng, người dân khi đến di tích đều thể hiện tôn nghiêm, thanh lịch trong giao tiếp, trang phục. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất, thời gian tới, QTƯX nơi công cộng cần được dịch sang tiếng Anh để khách du lịch quốc tế dễ tiếp cận và làm theo.

Cẩm Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mong-muon-bo-quy-tac-ung-xu-noi-cong-cong-duoc-dich-sang-song-ngu.html
Zalo