Mong mỏi giản dị của các thầy cô trước thềm năm học mới
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, các thầy cô giáo từ nhiều địa phương đã chia sẻ một số tâm tư, kỳ vọng trước thềm khai giảng năm học mới 2023-2024.
Mong được xây dựng, trang bị đầy đủ phòng học cho năm học mới
Cô Lương Thị Lựu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đào Viên, Lạng Sơn chia sẻ về tình hình khó khăn mà trường đang phải đối mặt trước thềm năm học mới 2023-2024.
Theo cô Lựu, với tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chật chưa đầy đủ, nhà trường đang đối diện với nhiều thách thức. Hiện Trường Tiểu học Đào Viên có tổng cộng 10 lớp học, từ lớp 1 đến lớp 5, với mỗi khối sẽ được chia thành 2 lớp. Dù nhà trường đã xây dựng, sữa chữa các phòng học nhưng chỉ đáp ứng đủ cho phòng học văn hóa, phòng học cho các bộ môn khác vẫn chưa được xây dựng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình bán trú tại trường cũng gặp nhiều khó khăn. Cô Lựu cho hay, 100% học sinh của trường đều tham gia chương trình bán trú, nhưng các phòng sinh hoạt như phòng ăn, phòng ngủ và khu vực bếp vẫn chưa được thiết kế và xây dựng. Khu vực bếp hiện tại chỉ được làm "tạm bợ" để đảm bảo việc nấu ăn cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đào Viên cũng đề cập đến điều kiện giao thông vất vả và khó khăn khi đường đến trường vẫn còn là đường đất. Đặc biệt vào mùa mưa bão, tình hình đường trơn trượt và bùn đất khiến việc di chuyển đến trường trở nên nguy hiểm và không an toàn đối với học sinh và giáo viên.
Khó khăn còn được gia tăng bởi việc có những giáo viên phải di chuyển từ xa, với khoảng cách lên đến 30-40 km để có thể đến trường giảng dạy.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên cô Lựu tâm sự, nhà trường luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ các cấp chính quyền. Điều này đã giúp nhà trường đạt được kết quả đào tạo tốt và hoàn thành các chương trình giáo dục so với mặt bằng chung của tỉnh.
Cô Lương Thị Lựu bày tỏ mong muốn trong năm học mới, nhà trường sẽ được trang bị đầy đủ các phòng học tương ứng các môn học khác nhau, giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để học tập. Đồng thời, cô cũng hy vọng sẽ có các phòng sinh hoạt chuyên môn dành riêng cho giáo viên, giúp họ có môi trường ổn định, yên tâm để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Mong có thêm những đãi ngộ tốt về chính sách tiền lương cho giáo viên
Cô giáo Hà Thị Hội, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, để chuẩn bị cho năm học mới, từ đầu tháng 8, các tổ chuyên môn đã họp để dự kiến phân công chuyên môn, là cơ sở để giáo viên chủ động nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn phù hợp với công việc được giao. Công tác tập huấn được chú trọng, tập trung vào các nội dung thực hiện Chương trình GDPT mới và các nghiệp vụ sư phạm khác.
Theo cô giáo Hà Thị Hội, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường được chú trọng hàng đầu. Nhà trường đã chủ động, khẩn trương kiểm tra, rà soát, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (nhất là các thiết bị để thực hiện Chương trình GDPT 2018); tiến hành vệ sinh khuôn viên trường học, phòng lớp học, phòng học bộ môn; cắt tỉa cây xanh để tạo môi trường học tập khang trang, sạch đẹp.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác giáo dục, cô giáo Hà Thị Hội cho biết, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn có điều kiện kinh tế còn hạn chế, nhiều phụ huynh đi làm ăn xa, không có điều kiện quan tâm việc học tập của con em nên công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa được thường xuyên, chưa thật sự có chiều sâu. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, chất lượng mũi nhọn chưa cao.
Theo cô Hội, địa hình của xã Đồng Sơn có nhiều sông suối, trên các tuyến đường có nhiều đập tràn. Điều này dẫn tới vào mùa mưa lũ có nơi còn bị chia cắt nên có những ngày một bộ phận học sinh không thể đến trường; ảnh hưởng tới kế hoạch và chất lượng giáo dục của nhà trường.
Để khắc phục tình trạng này, các thầy, cô giáo ở Trường PTDTBT THCS Đồng Sơn không ngừng nâng cao chất lượng của nhà trường, từ điều kiện học tập tới bữa cơm bán trú và chỗ ngủ, nghỉ cho các em để học sinh yên tâm ở lại trường.
Các giáo viên luôn ưu tiên việc quan tâm, tìm hiểu về hoàn cảnh của các em học sinh để có biện pháp giúp đỡ phù hợp với những em có hoàn cảnh khó khăn; nhất là những học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi, cha mẹ li hôn hoặc đi làm ăn xa,…
Trong năm học mới, cô giáo Hà Thị Hội mong đơn vị mình đang công tác tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để đầu tư xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Đồng Sơn đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập tạo không gian, môi trường và các điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập.
Bên cạnh đó thầy, cô cũng mong muốn sự kết nối giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh ngày càng khăng khít hơn. Các bậc phụ huynh luôn sẵn sàng dành sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ, chia sẻ nhiều hơn nữa trong công tác xã hội hóa giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Về phần cá nhân các thầy, cô giáo đều mong muốn chung là có thêm những đãi ngộ tốt về chính sách tiền lương cho giáo viên (nhất là vùng đặc biệt khó khăn và các trường chuyên biệt như nội trú, bán trú) để đội ngũ thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Mong được bồi dưỡng kỹ hơn, sâu hơn về Chương trình GDPT 2018
Cô Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, năm học 2022-2023 vừa qua, các thầy cô cấp THPT có nhiều tâm tư, lo lắng về vấn đề “đầu ra” của Chương trình GDPT 2018.
“Tâm lý phụ huynh trước nay rất quan trọng vấn đề “thi gì, học nấy”, bởi vậy khi sách giáo khoa ra trước, định hướng thi ra sau đã khiến không ít phụ huynh băn khăn. Giáo viên tất nhiên vẫn bám sát vào mục tiêu của chương trình, nhưng thời điểm đó cũng có những băn khoăn nhất định”, cô Thủy nói.
Tuy nhiên, theo nữ Hiệu trưởng, vấn đề rất lớn nói trên đã được tháo gỡ một phần khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Điều này đã giúp giáo viên tháo gỡ được tâm tư lo lắng, yên tâm với việc giảng dạy. “Tôi nghĩ rằng tâm tư lớn nhất của các thầy cô hiện nay đều sẽ dồn vào việc làm thế nào để làm tốt được Chương trình GDPT 2018”, cô Thủy nói.
Trước thềm năm học mới 2023-2024, cô Thủy bày tỏ mong muốn các thầy cô giáo sẽ được bồi dưỡng kỹ hơn, sâu hơn về Chương trình GDPT 2018.
“Trong đợt hè vừa rồi, các thầy cô giáo đã được đi học, hướng dẫn về chương trình mới. Những buổi sinh hoạt giáo vụ như thế đã đáp ứng được một phần cơ bản nguyện vọng của giáo viên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để đáp ứng được toàn bộ thì chưa, bởi việc này sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Do đó, thực tế cũng sẽ có những khó khăn trong công tác mà triển khai trên một phạm vi rất rộng”, cô Thủy chia sẻ.
Nữ hiệu trưởng hy vọng các giáo viên sẽ tiếp tục có thêm những sự bồi dưỡng để hiểu nhiều hơn nữa về chương trình mới.