Mông lung số phận mỏ quặng Quý Xa

Bộ Công thương cho rằng, trong trường hợp các nhà đầu tư khác muốn tham gia khai thác mỏ sắt Quý Xa, thì thực hiện theo hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản để lựa chọn nhà đầu tư.

Chưa có phương án tổng thể quản lý mỏ quặng Quý Xa

Liên quan câu chuyện khai thác tiếp quặng sắt mỏ Quý Xa của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), trong văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý và sử dụng đối với quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai), Bộ Công thương cho rằng, do chưa có giải pháp tổng thể về quản lý và sử dụng quặng Quý Xa, nên không có cơ sở xem xét, cho ý kiến như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngược dòng thời gian, Công ty VTM hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư số 121021000012 cấp ngày 18/5/2006, thời gian hoạt động 40 năm để thực hiện Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa (xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Năm 2007, Công ty VTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1226/GP-NTNMT (thời hạn hiệu lực kết thúc vào ngày 31/12/2020) để khai thác mỏ sắt Quý Xa với công suất 3 triệu tấn/năm.

Khối lượng này sẽ cung cấp cho sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai khoảng 700.000 tấn/năm; cung cấp cho Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) xuất khẩu bán cho Công ty Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Phần còn lại cung cấp cho Công ty Gang thép Thái Nguyên sử dụng sau khi mở rộng giai đoạn II.

Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2015, mỏ sắt Quý Xa chỉ thực hiện việc cung cấp quặng sắt Quý Xa để phục vụ sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai, mục đích xuất khẩu quặng sắt Quý Xa để đối lưu than coke (khoảng 1,5 triệu tấn/năm) không thực hiện được do Nhà nước hạn chế xuất khẩu quặng sắt.

Tại thời điểm Giấy phép khai thác hết hạn, Công ty VTM không đủ điều kiện gia hạn theo quy định tại khoản 1, Điều 39 và điểm b, khoản 2, Điều 51, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Đồng thời, Công ty VTM chưa triển khai đầu tư dây chuyền cán thép theo đúng Giấy chứng nhận đầu tư và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai thuộc diện các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Việc cấp lại Giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa cũng được yêu cầu chỉ xem xét sau khi Công ty VTM hoàn thành đề án tái cơ cấu được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, trong thời gian Đề án Tái cơ cấu Công ty VTM được trình cấp có thẩm quyền quyết định, Nhà máy Gang thép Lào Cai của công ty này đã tạm dừng hoạt động do không có quặng sắt để sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu quặng sắt nhằm duy trì hoạt động của Nhà máy Gang thép Lào Cai, trong thời gian Công ty VTM hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu, Chính phủ đã có Nghị quyết 164/NQ-CP (ngày 29/12/2021), cho phép doanh nghiệp được khai thác tối đa 1 triệu tấn quặng sắt tại mỏ Quý Xa để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, nghiêm cấm xuất khẩu khoáng sản thô. Thời gian khai thác tối đa là 1 năm, kể từ ngày Nghị quyết số 164/NQ-CP có hiệu lực… Đồng thời, yêu cầu Công ty VTM khẩn trương hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu, xác định cụ thể thời gian hoàn thành Đề án.

Cũng theo Bộ Công thương, Chính phủ đã có Văn bản 4342/VPCP-CN (ngày 12/7/2022) giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan có giải pháp tổng thể quản lý sử dụng mỏ sắt Quý Xa bảo đảm việc khai thác, tiêu thụ quặng sắt theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý về tài nguyên, cấp phép khai thác mỏ sắt Quý Xa cho VTM, đồng thời cũng là cơ quan yêu cầu VTM giảm công công suất khai thác, chỉ đủ cung cấp quặng sắt cho Nhà máy Gang thép Lào Cai của VTM, nhưng tới nay, chưa đưa ra dự thảo giải pháp tổng thể để quản lý và sử dụng mỏ quặng này.

Tương lai nào cho mỏ Quý Xa?

Tại Nghị quyết số 164/NQ-CP (ngày 29/12/2021) cũng nêu rõ, mỏ sắt Quý Xa có tài nguyên, trữ lượng trên 120 triệu tấn quặng sắt, là một trong những mỏ quy mô lớn và có chất lượng ở khu vực Đông Nam Á. Do đó, mỏ sắt Quý Xa phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; tổ chức khai thác, chế biến bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản theo Nghị quyết số 02-NQ/TW.

Theo Bộ Công thương, nhu cầu quặng sắt trong nước ngày càng tăng (dự báo năm 2020 là 20 triệu tấn, năm 2030 là 35 triệu tấn quặng sắt quy đổi 60% Fe), quặng sắt có chất lượng cao không nhiều. Ngay mỏ sắt Thạch Khê cũng chưa thể khai thác trước năm 2030. Trong khi đó, trữ lượng còn lại của mỏ Quý Xa rất lớn, khoảng 100 triệu tấn. Do vậy, cần huy động sản lượng của mỏ sắt Quý Xa đến năm 2030 khoảng 3-5 triệu tấn/năm, sau năm 2030 khoảng 5-7 triệu tấn/năm.

Tại Dự thảo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định và phê duyệt, mỏ sắt Quý Xa có sản lượng huy động khai thác giai đoạn 2021-2030 là 3 - 5 triệu tấn/năm, cung cấp đủ nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai và các nhà máy sản xuất gang thép trong nước.

Về giải pháp đối với mỏ Quý Xa, Bộ Công thương đề nghị VTM đẩy mạnh việc khai thác 1 triệu tấn quặng sắt mỏ Quý Xa trong năm 2022 theo Nghị quyết số 164/NQ-CP để đảm bảo nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai duy trì sản xuất trong thời gian chưa cấp lại Giấy phép khai thác mỏ mới (tính đến ngày 22/7/2022, VTM đã khai thác được 444.000 tấn quặng sắt).

Ngoài ra, dù VTM được ưu tiên cấp phép theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 22, Nghị định số 158/2016/ND-CP, nhưng trữ lượng và công suất của mỏ Quý Xa theo quy hoạch lớn (3-5 triệu tấn/năm), không chỉ cung cấp riêng cho Nhà máy Gang thép Lào Cai (nhu cầu khoảng 1 triệu tấn quặng/năm), mà còn cung cấp cho các nhà máy sản xuất gang thép trong nước. Vì vậy, trường hợp có các nhà đầu tư khác muốn tham gia khai thác mỏ Quý Xa, thì thực hiện theo hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản để lựa chọn nhà đầu tư.

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mong-lung-so-phan-mo-quang-quy-xa-d174619.html
Zalo