Mong chờ đột phá sau Giải thưởng Cánh diều 2024

Hội Ðiện ảnh Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức lễ trao giải thưởng Cánh diều 2024 tại thành phố Nha Trang với chủ đề 'Ðam mê tỏa sáng'. Chưa năm nào số lượng phim tham dự, nhất là phim ngắn, phim tài liệu và phim khoa học nhiều như năm nay.

Hậu trường phim tài liệu "Linh ảnh" của Ðiện ảnh Quân đội nhân dân. (Ảnh ÐP)

Hậu trường phim tài liệu "Linh ảnh" của Ðiện ảnh Quân đội nhân dân. (Ảnh ÐP)

Đây là năm thứ ba liên tiếp lễ trao giải thưởng Cánh diều tổ chức tại thành phố biển Nha Trang - nơi có làng sinh thái điện ảnh, có hệ thống trường quay dành cho điện ảnh, truyền hình trong nước và quốc tế... Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, trong đó có hơn 500 nghệ sĩ, nhà sản xuất, quản lý điện ảnh và truyền hình.

Mùa giải năm nay, có tổng cộng 163 tác phẩm tham gia tranh tài, bao gồm 18 phim điện ảnh, 18 phim truyền hình, 41 phim tài liệu, 18 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 50 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu.

Giải Cánh diều vàng ở từng thể loại đã thuộc về các tác phẩm: Phim điện ảnh "Mai" của Trấn Thành; phim khoa học "Vì sao Sơn Ðoòng" của Tài Văn; phim tài liệu "Linh ảnh" của Nguyễn Văn Quyết; công trình Nghiên cứu lý luận "Ðiện ảnh như là thủ pháp" của PGS, TS Vũ Ngọc Thanh, sách chuyên khảo "Bụi vàng lấp lánh" của Tiến sĩ Lê Ngọc Minh; phim ngắn "Ðoàn cá gỗ" của Nguyễn Phạm Thành Ðạt; phim truyện truyền hình "Gặp em ngày nắng" của Nguyễn Ðức Hiếu.

Ban tổ chức trao giải thưởng cho nhiều hạng mục quan trọng khác về: Biên kịch, đạo diễn, quay phim, nam và nữ diễn viên xuất sắc…

Ðiểm mới tại mùa giải năm nay đó là lần đầu có thêm hạng mục nam và nữ diễn viên phim điện ảnh và phim truyền hình được yêu thích nhất do khán giả bình chọn trên nền tảng TikTok. Các diễn viên: Anh Tú Atus, Diệu Nhi, Lê Xuân Anh (Lê Bống), Trần Nghĩa vinh dự được nhận giải thưởng này.

Thể hiện tình cảm, sự chia sẻ đùm bọc với đồng bào đang chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức cùng các nghệ sĩ tham gia chuỗi chương trình thiện nguyện "Chắp cánh yêu thương" tại Làng trẻ em SOS Nha Trang và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa; ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Giới chuyên môn cho rằng, kết quả giải thưởng năm nay tuy chưa thật sự có đột phá do mặt bằng tác phẩm còn hạn chế, song quá trình đánh giá, ghi nhận khá xác đáng, nhất là các hạng mục cá nhân. Các công trình nghiên cứu, phim tài liệu, phim khoa học, phim ngắn và phim đầu tay ghi nhận nhiều tác phẩm tâm huyết, tay nghề cao, công nghệ đã được cải tiến.

Ðiện ảnh Quân đội Nhân dân là đơn vị gặt hái nhiều thành công với các giải thưởng: Cánh diều vàng cho phim tài liệu "Linh ảnh"; Cánh diều bạc cho phim khoa học "Nghiên cứu về ứng dụng trong công nghệ chữa cháy"; Bằng khen cho hai bộ phim tài liệu: "Thép trong lòng biển sâu"; "Tỉnh thức và hóa giải".

Ðồng thời, Trung tá Vũ Trọng Quảng vinh dự được trao Giải Ðạo diễn xuất sắc nhất. "Linh ảnh" là bộ phim xúc động về hành trình phục chế các bức ảnh liệt sĩ. Ðó không đơn thuần chỉ là những bức ảnh được phục dựng lại đúng, đẹp mà còn là giá trị thiêng liêng, mang tinh thần, ý chí của các Anh hùng liệt sĩ cũng như thân nhân của họ.

Các bộ phim với những chủ đề khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đầy quả cảm - tấm gương cho thế hệ mai sau.

Về hạng mục phim truyện điện ảnh, các giải thưởng lớn nhất thuộc về phim có doanh thu cao, tạo được dấu ấn thị trường. Phim "Mai" của Trấn Thành thắng đậm khi được vinh danh bốn giải thưởng gồm cả tập thể và cá nhân: Giải Cánh diều vàng dành cho phim; Giải Biên kịch xuất sắc; Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc; Giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc.

Trước đó, phim đã gặt hái doanh thu trên 550 tỷ đồng khi công chiếu tại rạp và là một trong những phim Việt có doanh thu cao nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Ở hạng mục phim truyền hình, "Gặp em ngày nắng" không chỉ đoạt Cánh diều vàng mà còn thêm Giải Biên kịch xuất sắc nhất, Ðạo diễn xuất sắc nhất. Ðây đều là những chiến thắng được dự đoán trước, nhưng vẫn bộc lộ khoảng trống nhất định, sự mất cân đối giữa các bộ phim mang yếu tố thị trường và hàn lâm.

Các bộ phim truyện điện ảnh, phim truyền hình… chủ yếu khai thác đề tài quen thuộc xoay quanh các yếu tố: Gia đình, hài hước, tâm lý… dễ nhận được sự đồng cảm của khán giả… và đó vẫn là hướng đi an toàn, chưa thể hiện nhiều tìm tòi, sáng tạo, đột phá.

Một điểm nhấn đáng chú ý đó là sự xuất hiện và khẳng định năng lực của đội ngũ làm phim trẻ. Phạm Hữu Trí, sinh viên ngành đạo diễn điện ảnh-truyền hình, Trường đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) đã xuất sắc đoạt Giải Cánh diều bạc ở hạng mục phim ngắn với tác phẩm "Karma" (Nghiệp).

Ðây là bộ phim được tác giả ấp ủ từ khi mới vào đại học và hoàn thành vào tháng 6/2024. Với mong muốn mang đến những thước phim đẹp, kỳ vĩ và bí ẩn, Phạm Hữu Trí cùng ê-kíp đã lặn lội đến Bình Ðịnh để ghi hình, vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề kinh phí.

"Có thể nhiều người nhìn nhận nghề điện ảnh khá hào nhoáng, nhưng quá trình làm nghề, phải đối diện với rất nhiều thử thách. Nghề này cần sự đam mê, kiên trì mới có thể bám trụ được", Hữu Trí chia sẻ.

Vẫn có những nhận định bày tỏ mong chờ Cánh diều "bay cao" hơn, nhất là các bộ phim do Nhà nước đặt hàng còn góp mặt một cách khiêm tốn, chưa đoạt giải ở hạng mục cao nhất. Dấn thân, khai thác và sáng tạo với những đề tài lớn và khó, có sức ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội tiếp tục là thách thức với các nhà làm phim.

Dù vậy, với sự trưởng thành từng bước, chinh phục công nghệ và xuất hiện đội ngũ kế cận trẻ về tuổi đời, giàu đam mê nhiệt huyết, công chúng có quyền hy vọng vào những mùa giải Cánh diều trong tương lai.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/mong-cho-dot-pha-sau-giai-thuong-canh-dieu-2024-1021550/
Zalo