Món quà tặng mẹ - truyện ngắn của TRẦN TÚ

Minh họa: PV

Minh họa: PV

Đêm, tôi rón rén bật chiếc đèn con trên bàn, cố gắng xoay thật sâu vào phía góc tường để ánh điện không làm chói mắt cu Út đang ngủ. Gần đây, đêm nào tôi cũng vờ ngủ đợi cho cu Út say giấc thì khẽ khàng dậy tỉ mỉ làm hoa giấy.

Sau nhiều lần thất bại, giờ tôi đã có thể làm hoa giấy một cách thành thạo. Thật thú vị khi những tờ giấy nhỏ bé qua bàn tay con người lại có thể trở thành những bông hoa vô cùng đẹp mắt. Bữa nọ, chị Hà bí thư xã đoàn ghé chơi, thấy mấy bông hoa tôi làm, chị khen đẹp rồi hỏi mua, chị còn hứa sẽ bán hoa giúp tôi. Điều ấy làm tôi háo hức đến độ quên ăn, quên ngủ.

“Đi đâu mà giờ mới về hả?”. Tiếng quát lớn vọng lại từ phía sân làm tôi giật mình. Đêm nay, bố lại uống đến say. Rượu như người tình của bố, không uống bố không chịu được. Có rượu bố dễ gây chuyện với mẹ hơn, có rượu bố thường quát mắng các con một cách vô cớ. Và có rượu bố thỏa sức chửi những ai làm bố chướng tai gai mắt, chửi đến chán thì thôi.

Giọng mẹ lí nhí:

- Em… đi tập văn nghệ cùng mấy chị trong thôn, lúc đi em nói với mình còn gì!

Tiếng cười ngặt nghẽo của bố cùng tiếng chén sứ vỡ vụn trên nền gạch:

- Tập văn nghệ à, có mà đi đú đởn thì có.

Nói rồi, bố vớ lấy chai rượu tu một hơi xong nằm vật ra ngủ. Mẹ lặng thinh, lủi thủi dọn dẹp những mảnh vỡ ngổn ngang dưới nền nhà. Trước đây, sau mỗi lần bố mẹ cãi vã, mẹ sẽ gục mặt khóc. Nhưng lâu rồi tôi thấy mẹ không khóc nữa, có chăng nước mắt mẹ đã khô cạn? Nhìn mẹ tôi thấy đau lòng, nước mắt cứ thế lăn dài, rơi xuống bàn thấm ướt những trang giấy mỏng manh.

Thấy mẹ vào, tôi vờ như đang ngủ say. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi, hôn lên trán cu Út rồi ngồi thụp xuống nền. Khuya, không gian tĩnh lặng để nghe thật rõ tiếng giun oằn mình trong đất, tiếng mọt rỉ rả gặm nhấm trên cánh cửa sổ. Nhưng thứ tôi nghe rõ hơn cả là tiếng nức nở trong lòng mẹ, tiếng nấc mắc kẹt nơi lồng ngực, kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Tiếng nấc ấy khiến tôi xót xa trong bất lực.

Nghe kể, mẹ tôi trước đây vốn là một cô gái xinh đẹp, tính nết dịu hiền, lại hát hay và múa đẹp nên có nhiều người thích mẹ lắm. Trong số ấy, ông bà ngoại tôi rất ưng con một người bạn ở phố huyện và có ý định gả mẹ cho nhà ấy. Nhưng mẹ khăng khăng lấy người mà mẹ yêu, người đó là bố. Bố không giàu, không đẹp nhưng được cái làm mộc giỏi, lại chịu thương chịu khó và biết giúp đỡ mọi người.

Bố cưới mẹ, 1 năm sau tôi chào đời. Cứ ngỡ rằng, tôi sẽ khỏe mạnh và lớn lên mỗi ngày. Nhưng không may, tôi mắc phải căn bệnh xương thủy tinh. Có bệnh thì vái tứ phương, bố mẹ chạy chữa khắp nơi nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ tật nguyền. Mỗi khi nhìn bố mẹ buồn phiền, tôi lại thấy mình thật có lỗi.

Cho đến khi mẹ sinh em Út. Ai cũng mừng vì thằng bé kháu khỉnh, khỏe mạnh. Căn nhà nhỏ ấm cúng hơn, tôi thấy lòng bình an trở lại. Tuy nhiên, hơn 1 tuổi, em Út bị sốt dẫn đến bại não khiến cả nhà tôi suy sụp.

Từ ngày ấy, nhắm mắt vào, mở mắt ra tôi luôn thấy những buồn bã bủa vây. Bố quyết định bán hết mọi tài sản giá trị để có tiền chữa bệnh cho em Út. Chẳng còn máy móc để làm mộc, bố đi làm thuê cho xưởng mộc trong làng và luôn trở về với trạng thái say xỉn. Cú tai nạn xe máy khiến một bên tay bố bị tê liệt và một bên chân bố đi tập tễnh. Bố chẳng thể đi làm, cuộc sống vì thế càng thêm khó khăn. Càng buồn, bố càng uống nhiều rượu và đổ hết mọi tội lỗi lên mẹ.

Có lần, tôi gặng hỏi:

- Mẹ ơi, mẹ có ghét bố không?

Mẹ cười buồn:

- Sao con lại hỏi thế?

Tôi rụt rè:

- Chẳng phải bố suốt ngày say xỉn, hờn ghen, trách mắng mẹ vô cớ sao?

Mẹ ôm tôi vào lòng, vuốt tóc tôi thì thầm:

- Mẹ không ghét bố, mà thấy thương bố hơn. Người lớn có những nỗi khổ, niềm đau mà trẻ con chưa hiểu được đâu con à!

Đúng, có lẽ trẻ con chưa hiểu được. Nhưng trẻ con cảm nhận được, tôi vẫn nhớ cảm giác ấm áp khi xưa bố bế tôi vào lòng rồi cưng nựng. Có lần bố bế em Út rồi khóc, những lúc ấy tôi lại thấy thương bố vô cùng. Hình như rượu cũng chẳng thể làm vẻ ngoài của bố mạnh mẽ hơn. Tôi lại ước giá như những chuyện buồn kia chỉ là một cơn ác mộng.

Từ ngày bố bệnh, mẹ chạy chợ bán rau kiếm thêm thu nhập. Ba bố con tôi ở nhà trông nhau và phụ mẹ bán sạp rau cùng đồ khô ngay trước cổng nhà.

Ngoài sân, bố đang đẩy xe lăn cho em Út đi dạo. Chốc chốc bố dừng lại nhìn cu Út thủ thỉ: “Con trai, bố tệ lắm phải không?”. Em Út chẳng thể nói, nó chỉ toét miệng cười như mọi ngày. Tôi thoáng thấy, đôi mắt buồn rười rượi của bố chùng xuống vẻ nghĩ ngợi. Những lúc không uống rượu trông mặt bố cứ hiền khô.

Lấy hết can đảm tôi tiến đến gần bố và em Út. Tay bày đồ làm hoa ra chiếc bàn con, miệng hỏi:

- Bố ơi, tại sao bố không cho mẹ đi múa?

Bố ngạc nhiên nhìn tôi, cười nhạt một cái rồi bảo:

- Múa hát gì chứ, vui vẻ người ta mới múa hát, chứ nhà mình thế này múa hát người ta cười vào mặt cho à!

Nghe bố nói tôi lơ mơ hiểu rằng có lẽ ai đó đã cố tình chọc ngoáy vào tâm hồn đầy tổn thương của bố. Họ từng châm chọc bố rằng đũa mốc đòi chòi mâm son. Rồi từ ngày bố nghỉ việc, lại thêm tật nát rượu họ càng lời ra tiếng vào. Bố tôi càng ghen tuông, càng tự ti bao nhiêu thì mẹ tôi càng khổ bấy nhiêu.

- Chẳng lẽ mình phải sống trong buồn chán cả đời chỉ vì sợ người ta cười à bố?

Tôi nói như sắp khóc. Bố mỉm cười chua xót.

Rồi bố bật khóc như một đứa trẻ, ôm lấy tôi vỗ về:

- Bố xin lỗi!

- Con không muốn cuộc sống như thế này nữa đâu bố à. Bố thay đổi đi bố!

Bố lắc đầu, giọng bùi ngùi:

- Bố biết làm gì để thay đổi đây con gái?

- Bố xem bông hoa này có đẹp không? Tôi cầm bông hoa hồng màu đỏ thắm trên tay, ngập ngừng hỏi bố.

- Ừ, đẹp đấy. Đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Trước bố cũng khéo tay lắm đấy nhé, nhưng cuộc đời vốn không như ta mơ tưởng.

Sau câu nói bố kèm theo tiếng thở dài đến nhói lòng.

- Bố biết không, nếu lúc trước con luôn sống trong buồn chán thì từ ngày biết gấp hoa giấy, con thấy mình sống có ích hơn. Con nghĩ đó là sự thay đổi có ý nghĩa bố à.

Thấy bố vẫn im lặng, tôi mạnh dạn nói tiếp:

- Bố cho mẹ đi múa bố nhé, và từ giờ bố đừng uống nhiều rượu nữa. Con chỉ muốn vậy thôi.

Bố không trả lời mà nói lảng sang chuyện làm hoa giấy. Nhưng tôi biết chắc chắn bố đang rất bận tâm vì những điều tôi vừa nói.

Tối đến, mẹ ngồi bần thần trước hiên nhà. Có lẽ vì cơn thịnh nộ của bố tối qua mà mẹ không dám đi tập văn nghệ nữa dù mấy cô trong xóm đi qua cứ í ới gọi rủ. Tôi vờ nói thật to: “Mẹ ơi, mẹ đi tập văn nghệ đi, con đi xem với!”. Mẹ quay lại ra hiệu nhìn tôi rồi lắc đầu. Tôi đưa mắt nhìn bố chờ đợi và không ngừng hy vọng.

“Hai mẹ con đi đi, để bố trông thằng Út cho”. Giọng bố hôm nay ấm áp đến lạ. Mẹ nhìn tôi kinh ngạc, hình như mẹ không tin vào những điều vừa nghe thấy. Tôi sung sướng reo lên: “Đi thôi mẹ, con muốn được xem mẹ múa lắm rồi!”.

Sự xuất hiện của mẹ con tôi làm các bác, các cô ở nhà văn hóa thôn hết sức bất ngờ. Thấy tôi, bác Hạnh chi hội trưởng hội phụ nữ bảo:

- Con nhỏ này khéo tay đấy, chị Hà bí thư đoàn có giới thiệu hoa mày làm cho bác xem rồi, chị ấy bảo sắp đến mỗi chi hội sẽ đặt con một bó hoa. Con có làm kịp không?

Tôi phấn khởi đáp to: - Con làm được ạ!

Mẹ đứng đó vẻ mặt bất ngờ lắm. Tôi ghé tai mẹ thì thầm: “Sáng nay bố làm hoa giấy cùng con đấy mẹ ạ, mẹ thấy đẹp không?”. Mẹ mỉm cười mà khuôn mặt rạng rỡ lạ thường.

Nhạc nổi lên, tôi nhìn theo từng nhịp múa uyển chuyển của mẹ, ánh mắt của mẹ hôm nay vui tươi hơn mọi ngày. Mẹ nhìn tôi và nở một nụ cười tươi tắn. Tôi cũng mỉm cười nhìn mẹ mà thấy lòng lâng lâng hạnh phúc. Trong khoảnh khắc ấy tôi chợt nghĩ nụ cười hạnh phúc có lẽ là món quà vô giá nhất đối với mỗi người.

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/322247/mon-qua-tang-me-truyen-ngan-cua-tran-tu.html
Zalo