Món ngon: các loại bánh ngon ngày Tết
Phải kể đến đầu tiên, không thể thiếu được trong mâm cúng gia tiên ngày Tết-đó là bánh chưng. Đây là loại bánh đã đi vào truyền thuyết với câu chuyện 'Sự tích bánh chưng, bánh giầy' thể hiện sự hiếu thảo, đề cao nghề nông, sự lao động và phong tục thờ cúng đất trời, tổ tiên của người Việt.
Bánh chưng làm từ gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn. Bánh chưng chay nhân bánh chỉ có đỗ xanh hấp chín ngào đường. Lúa nếp cấy tháng 6, chín vào vụ tháng 10. Khi lúa chín vàng, người nông dân gặt về tuốt hạt, phơi khô, sàng sẩy cho sạch sẽ rồi đổ vào chum gần Tết mới mang ra đi xay xát được những hạt gạo nếp trắng đều, đẫy tròn có hương thơm nhè nhẹ. Gạo đem ngâm nước, vo sạch rồi vớt ra để ráo, cho chút muối đảo đều. Đỗ xanh vỡ đôi, ngâm nước và đãi hết vỏ, sau đó đồ lên và đánh nhuyễn nắm lại từng nắm. Nếu làm bánh chay, đỗ sau khi đánh nhuyễn đem ngào với đường. Lá dong trồng ở góc vườn được cắt vào, rửa sạch, để ráo nước từ trước đó. Thịt lợn làm nhân bánh dùng thịt ba chỉ ướp với hạt tiêu và một chút muối... Khi gói bánh, cả nhà quây quần, trò chuyện và mỗi người một việc: người gấp lá, người cắt, người gói... Những chiếc bánh chưng vuông vức, xanh mướt, đẹp đẽ được hoàn thành nhanh chóng trong niềm vui của cả gia đình. Trong nhiều gia đình, trẻ em thường được người lớn dạy gói bánh chưng từ nhỏ. Có thể chiếc bánh chưa được đẹp lắm nhưng các em rất háo hức bởi đó là những sản phẩm đầu tay.
Bánh chưng thường được luộc từ sáng tới tối mới vớt ra. Trong những ngày Tết, mỗi bữa làm cỗ cúng sẽ bóc một chiếc bánh đặt trên mâm. Bánh chưng khi bóc ra, vỏ bánh có màu xanh của lá dong, ruột bánh có màu trắng ngà của gạo, màu vàng của đỗ lẫn màu nâu đỏ của thịt lợn. Nếu là bánh chay, nhân thường màu nâu vàng của đường bánh, đường mật để ngào với đỗ làm nhân bánh... Thưởng thức những miếng bánh chưng được luộc kỹ, công phu, cảm nhận rõ sự mềm, thơm của gạo nếp, nhân thơm bùi đỗ xanh, đậm, ngậy thịt lợn lẫn chút mỡ, cay nhẹ vị của hạt tiêu. Mùi vị của những sản vật nhà nông như đậm đà trong từng miếng bánh.
Ngoài bánh chưng, trong ngày Tết, một số nơi làm thêm bánh giầy dâng cúng tổ tiên. Để làm bánh giầy, người ta lấy gạo nếp ngâm và đồ xôi, sau đó cho xôi vào cối giã nhuyễn quánh vào nhau. Khi giã xong sẽ được khối bột dẻo, mịn, lúc đó mới nặn thành từng chiếc bánh dày nhỏ vừa đặt vào những chiếc lá mít, hoặc lá chuối đã cắt tròn theo hình chiếc bánh. Từng chiếc bánh giầy trắng muốt được đặt trên tấm lá tròn xanh, xếp lên đĩa sứ thành kính đặt lên ban thờ cúng gia tiên, hay cúng Phật, cúng thần thánh ở các nơi thờ tự trong làng... Bánh giầy dẻo, thơm, ăn kèm với giò nạc hay chả quế rất ngon và lâu ngán.
Ở nhiều nơi, không ít gia đình còn duy trì việc nấu chè kho vào ngày Tết- món ăn dân dã được làm từ đỗ xanh lóc vỏ, đồ chín, cho đường vào đánh nhuyễn, đóng thành đĩa như đĩa xôi. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng chè kho lại là thứ ẩm thực được nhiều người ưa thích bởi mùi thơm ngon đậm đà của đỗ xanh, vị ngọt sắc của đường, vị cay ấm của gừng tươi... Cũng có vùng còn làm bánh mật, loại bánh gần giống bánh gai nhưng không trộn nước lá gai vào bột mà trộn mật mía, hoặc đường phên và có mùi đặc trưng của lá chuối khô, bột nếp quyện mùi mật đường, nhân thơm ngậy đỗ, thịt, cùi dừa, ngan ngát mùi dầu chuối. Hay như ở Nam Định còn có món bánh khoai được người dân làm nhiều trong dịp Tết để mang đi bán, biếu, dâng cúng tổ tiên...
Chỉ từ những loại nông sản dân dã nhưng với óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, những thứ tưởng chừng như quá quen thuộc ấy đã được biến tấu thành những món bánh ngon để dâng cúng tổ tiên, cũng là món ăn để nhà nhà quây quần bên nhau cùng thưởng thức... giúp hương vị ngày Tết trở nên đậm đà, ấm cúng, gắn kết nghĩa tình hơn.