Món ăn bài thuốc từ cây tầm xuân
Cây tầm xuân là một loài cây bụi leo thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae) được biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn có giá trị dược liệu phong phú...
Trong y học cổ truyền, các bộ phận của cây tầm xuân như hoa, lá, quả, đặc biệt là rễ tầm xuân có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết và giải độc. Dược liệu có vị đắng, chát, tính mát được dùng để chữa nhiềuchứng bệnh.
Theo nghiên cứu dược lý của y học hiện đại, toàn cây tầm xuân có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm và giảm đau do có chứa nhiều hoạt chất chủ yếu thuộc các nhóm flavonoid và tannin…
1. Các bài thuốc chữa bệnh từ tầm xuân
- Giảm đau nhức xương khớp, trị phong thấp: Dùng độc vị rễ tầm xuân 30-60g, sắc uống.
Hoặc dùng bài: Rễ tầm xuân 30g, khúc khắc, rễ gấc, rễ gai tầm xoọng mỗi vị 16g, sắc uống.
- Tiểu tiện bất lợi: Quả tầm xuân 16g, mã đề 30g và biển súc 30g, sắc uống.
- Đại tiện táo: Quả tầm xuân 16g, đại hoàng 4g, sắc uống.
- Phù do viêm thận: Quả tầm xuân 12g, hồng táo 6g, sắc uống.
- Đau bụng kinh: Quả tầm xuân 120g, sắc lấy nước, hòa thêm 10g đường và 30ml rượu vang, uống ấm.
- Giúp hạ huyết áp, chữa cao huyết áp: Rễ tầm xuân 30g, sắc uống.
- Chữa chứng phế ung (áp xe phổi): Rễ tầm xuân 30g, hạt bí đao 40g, ý dĩ 40g, sắc uống.
- Bệnh trĩ xuất huyết: Rễ tầm xuân tươi 60g rửa sạch, giã vắt nước cốt, chia uống trong ngày.
- Chữa viêm loét miệng, viêm lợi, đau răng: Rễ tầm xuân 30g, giã vắt nước cốt ngậm hoặc sắc uống.
- Trị kinh nguyệt không đều, rong huyết, khí hư, tiểu tiện khó: Rễ tầm xuân 30g, cỏ nhọ nồi 30g, tiên hạc thảo 30g, ngải cứu già đốt tồn tính 10g, sắc uống.
- Chữa chảy máu cam: Hoa tầm xuân 6g, bạch cập 15g và rễ cỏ tranh 30g, sắc uống.
- Bướu tuyến giáp: Hoa tầm xuân 5g, hoa hậu phác 5g, hoa chỉ xác 5g và hoa hồng 5g, sắc uống.
- Trị mụn nhọt làm mủ: Lá tầm xuân sấy khô, tán bột mịn, trộn với mật ong, đắp vào nơi tổn thương.
- Viêm da: Lá tầm xuân lượng vừa đủ, nấu nước rửa.
- Nhọt độc sưng phù nề: Lá và cành non tầm xuân rửa sạch, giã nát với một chút muối ăn rồi đắp lên tổn thương.
2. Món ăn trị bệnh từ tầm xuân
- Chảy máu cam mạn tính: Vỏ rễ tầm xuân 60g hầm với thịt vịt già 500g, chia ăn trong ngày.
- Chữa vàng da do nhiều nguyên nhân, tiểu đêm, trẻ em đái dầm: Rễ tầm xuân 30g hầm thịt heo nạc 100g, thêm 10ml rượu vang, chia ăn 2 lần trong ngày.
3. Thuốc dùng ngoài chữa bỏng, vết thương chảy máu
Rễ tầm xuân lượng vừa đủ, sấy khô tán bột rắc vào nơi tổn thương.
Hoặc dùng bài: Rễ tầm xuân tươi nấu nước, vệ sinh vết thương. Bột rễ tầm xuân trộn với dầu vừng đắp vết thương.
4. Một số lưu ý khi dùng tầm xuân chữa bệnh
- Xác định đúng cây tầm xuân làm thuốc: Cây tầm xuân có hoa màu hồng nhạt, quả hình bầu dục, màu đỏ cam. Tại Việt Nam, có một loại cây vào dịp Tết nguyên đán được bày bán với tên gọi là nụ tầm xuân. Tuy nhiên, đây là một loài cây khác, có tên gọi là cây Liễu tơ, tên khoa học là Salix caprea, thuộc họ Liễu Salicaceae.
- Sử dụng liều lượng phù hợp: Tầm xuân có tính hàn, sử dụng quá liều có thể gây kích ứng dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa. Do đó, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc Đông y để biết liều lượng cụ thể phù hợp với từng cơ địa và bệnh lý.
- Đảm bảo dược liệu sạch, có nguồn gốc: Dược liệu tầm xuân cần được thu hái ở vùng không bị ô nhiễm, đảm bảo không tồn dư hóa chất độc hại. Quả tầm xuân nên được phơi hoặc sấy khô đúng cách để bảo quản được lâu và không bị ẩm mốc.
- Không tự ý phối hợp với các dược liệu khác: Một số dược liệu có thể tương tác với tầm xuân. Đối với người đang dùng thuốc tây hoặc các bài thuốc Đông y khác cần lưu ý điều này.
- Theo dõi tác dụng phụ: Một số người có thể bị dị ứng, mẩn ngứa, hoặc buồn nôn khi sử dụng tầm xuân.
Việc sử dụng cây tầm xuân đúng cách sẽ giúp bạn tận dụng được những lợi ích của loại thảo dược này mà không gây hại cho sức khỏe. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền trước khi sử dụng.