Mời viết tham luận và tham dự Hội nghị Phật giáo Kim Cương thừa lần thứ V tại Bhutan

Hội nghị Quốc tế Phật giáo Kim cương thừa lần thứ V sẽ được Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Center for Bhutan & GNH Studies) tổ chức với chủ đề: Khoa học, Chính niệm và Tham thiền, tại thủ độ Thimphu, Bhutan, thời gian ngày 03-06/06/2025.

Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Tổng Hạnh phúc Quốc gia trân trọng thông báo về Hội nghị quốc tế về chủ đề 'Khoa học, Chính niệm và Tham thiền' từ ngày 03 đến ngày 06/06/2025 tại Thimphu, Bhutan.

Ban Tổ chức xin kính mời các diễn giả gửi tham luận trình bày về tầm quan trọng và mối liên hệ giữa các phương pháp rèn luyện tâm thức với giá trị các ngành khoa học.

Hội nghị sẽ là diễn đàn quy tụ sự hiện diện của các triết gia, các bậc thầy thiền định, hành giả tâm linh, thiền sư, các trụ trì, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm các nhà khoa học thần kinh và các chuyên gia về thiền và chính niệm, để trao đổi trí tuệ sâu sắc của mỗi người về chủ đề đầy ý nghĩa này.

Đây sẽ là hội nghị thứ 5 về Phật giáo Kim Cương thừa được tổ chức tại Bhutan. Bởi vì tham thiền, chính niệm và các kỹ thuật chuyển hóa tâm hiện diện trong nhiều truyền thống khác nhau, nên hội nghị giành phần thời lượng lớn cho các bài thuyết trình từ cả truyền thống tư tưởng thế tục tới các truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng bản địa khác (như các truyền thống của Châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Úc và Âu-Á).

Ngoài ra, trong bốn ngày Hội nghị, bên cạnh các buổi thuyết trình về chủ đề trên, các thiền sư, các hành giả Kim cương thừa cũng sẽ cử hành các nghi thức tham thiền và tu trì trong truyền thống của mình.

Một số chủ đề gợi ý cho các diễn giả như sau:

Nghiên cứu khoa học thần kinh: tính mềm dẻo của bộ não và các phương pháp thực hành chiêm nghiệm; công nghệ (EEG, fMRI, sinh trắc học,...) minh định các kỹ thuật thiền; tác động của thiền lên sự đồng bộ của bán cầu não; kiến lập bản đồ các giai đoạn bộ não hấp thụ các giai đoạn hành thiền tương ứng; phân tích khoa học về luân xa và Mật chú; Tham thiền và hệ thần kinh; và tu luyện nội hỏa và tham thiền.

AI: Những đổi mới công nghệ trong nghiên cứu và rèn luyện tham thiền; hiệu quả của thiền trên các Apps; tiềm năng của thực tại ảo trong các trải nghiệm mô phỏng về thiền; giám sát sinh trắc học và phản ứng của hệ thần kinh trước các phương pháp hành trì Phật giáo; bằng chứng khoa học và các phương pháp thực hành biệt truyền trong Phật giáo.

Bối cảnh văn hóa và lịch sử: Ảnh hưởng của thực hành thiền Phật giáo đối với các truyền thống tín ngưỡng khác và ngược lại; nghiên cứu so sánh giữa thiền Phật giáo mật truyền và hatha yoga; các phương pháp tiếp cận chính niệm trong các bối cảnh khác nhau, bao gồm ở phương Đông và phương Tây; ý nghĩa về mặt văn hóa của thiền trong các truyền thống khác nhau; nguồn gốc và nền tảng của thiền và chính niệm; xã hội chính niệm và sự thuyên giảm những bệnh lý về mặt xã hội; so sánh giữa tổ chức và lãnh đạo có và không có chính niệm.

Tác động về mặt tâm lý và nhận thức: Thiền trong vấn đề chăm sóc sức khỏe; mối quan hệ giữa chính niệm, sáng tạo và canh tân; tác động của thiền và chính niệm đến hạnh phúc; thiền trong việc xây dựng trí tuệ cảm xúc; vai trò của thiền trong việc vượt qua hành vi gây nghiện; mối quan hệ giữa tâm lý về âm thanh và thiền quán về âm thanh mật chú; kinh nghiệm chủ quan của những hành giả Phật giáo lâu năm; chính niệm trong môi trường gia đình và cộng đồng.

Giáo dục và sức khỏe: Ứng dụng giáo dục và trị liệu; phương pháp tiếp cận tích hợp đối với thiền và y học; các chương trình thiền trong các môn giảng dạy ở trường và trong giáo dục đặc biệt, hỗ trợ người học thần kinh khác biệt; quản trị stress và kỹ năng đối phó.

Môi trường: Không gian thiền; kiến trúc đô thị cho thiền và chính niệm; vai trò của thiên nhiên và cảnh quan trong thiền và chính niệm; vệ sinh, chế độ ăn uống và tỷ lệ trao đổi chất trong khi thiền; thói quen thể chất và giấc ngủ trong quá trình hành thiền dài hạn.

Nghiên cứu về đạo đức và ý thức: Những giá trị đạo đức trong nghiên cứu về thiền; giấc mơ sáng suốt; Pháp Du già giấc Mộng; Thân Trung ấm (thukdam) và cái chết; hạn chế của công nghệ EEG, fMRI và các công nghệ khác trong việc nghiên cứu ý thức; ý thức và những trạng thái tinh thần cao hơn; động lực và tầm quan trọng giữa mối quan hệ giữa bậc thày và đệ tử trong thực hành thiền; thiền và những trạng thái thay đổi; khảo sát sự thương mại hóa của phong trào thiền chính niệm; sự hợp tác về mặt thương mại trong ngành chăm sóc sức khỏe.

Các diễn giả tại hội thảo cần nộp bản nộp tóm tắt trước ngày 31/03/2025 và bài thuyết trình đầy đủ trước ngày 30/04/2025.

Những ai không phải là diễn giả nhưng muốn tham dự hội thảo có thể đăng ký trực tiếp bằng cách truy cập trang web: https://bhutanstudies.org.bt/

Nguồn: June 3-6, 2025, International Vajrayāna conference to be held by the Centre for Bhutan & Gross National Happiness Studies, Thimphu, Bhutan on ‘Science, Mindfulness and Meditation’, www.bhutanstudies.org.bt

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/moi-viet-tham-luan-va-tham-du-hoi-nghi-phat-giao-kim-cuong-thua-lan-thu-v-tai-bhutan.html
Zalo