Môi trường của lao động chất lượng cao thật sự
Chiều 2-12, tiếp xúc cử tri tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, trao đổi về vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: 'Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp, không để cơ quan nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém'.
Ngay sau đó, “Không để cơ quan nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém” đã trở thành thông điệp lan tỏa rất nhanh và rộng khắp. Cử tri, nhân dân cả nước cũng như cộng đồng mạng đã bày tỏ sự đồng thuận cao, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị trong cả nước sẽ quyết liệt thực hiện.
Sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi tất yếu khách quan hiện nay, như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “Không thể chậm trễ hơn được nữa”. Việc tập trung nguồn lực cho lĩnh vực then chốt, cho con người xứng đáng, không để cán bộ yếu kém “tầm gửi” trong nhà nước, là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước triển khai và quyết tâm thực hiện nhiều năm qua.
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cũng vậy, bộ máy nhà nước của mỗi quốc gia hiệu quả ra sao, đưa dân tộc phát triển đến mức nào, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nhân lực trong bộ máy đó và lĩnh vực then chốt quốc gia ấy lựa chọn ưu tiên phát triển.
Từ một ngàn năm trước, nhà nước phong kiến thời Lý - Trần đã đặt “Ngự sử Đài” là cơ quan làm nhiệm vụ giám sát các hoạt động của quan lại triều đình. Hệ thống giám sát này triển khai rộng khắp trong cả nước, qua đó đánh giá, phát hiện, ngăn chặn những sai lầm, tội lỗi do những người có chức quyền trong bộ máy gây ra, đồng thời loại bỏ những quan lại năng lực yếu kém.
Thời điểm nào hệ thống này hoạt động hiệu quả thì đất nước hưng thịnh và ngược lại. Rộng hơn, hàng ngàn năm qua, Việt Nam cũng như các nước khác, thời kỳ nào bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả bao nhiêu, đất nước phát triển rực rỡ bấy nhiêu. Và bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả bao nhiêu, trong đó càng nhiều người có năng lực thực sự bấy nhiêu, ngược lại, người năng lực yếu kém càng ít bấy nhiêu.
Thời gian qua, chuyện khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, ở không ít đơn vị, địa phương, có những trường hợp dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh, có năng lực, nhưng vì nhiều lý do khác nhau bị kìm hãm, dẫn tới không phát huy được năng lực, sở trường. Từ đó Nhà nước, cơ quan, đơn vị bị “chảy máu chất xám” khi người có năng lực rời đi.
Hay không ít cá nhân vì tính toán cho lợi ích bản thân mà mất đi dũng khí đấu tranh, thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Hoặc sợ bị liên lụy, sợ bị gánh trách nhiệm, sợ bị ảnh hưởng đến lợi ích bản thân mà có người tìm đủ mọi cách, viện đủ mọi lý do để né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác trách nhiệm cho người khác. Thậm chí không ít cán bộ còn có suy nghĩ làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai nên chọn giải pháp an toàn là không làm, không đề xuất, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cá nhân, đơn vị khác… Chính những tồn tại, hạn chế này đã trở thành lực cản vô hình làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Thông điệp “Không để cơ quan nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền đi, chắc chắn thời gian tới điều đó sẽ sớm được khắc phục nhanh chóng, Nhà nước sẽ ngày càng là môi trường của lao động chất lượng cao thật sự.