Mối quan hệ gắn kết giữa điện ảnh Pháp - Việt Nam qua các thời kỳ

Trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng lần 2 (DANAFF 2), Hội thảo 'Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam' do UBND TP Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức sáng 3-7 thu hút nhiều chuyên gia nền điện ảnh Pháp và Việt Nam tham dự.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức DANAFF 2024 Trần Chí Cường phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức DANAFF 2024 Trần Chí Cường phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Trưởng Ban Tổ chức (BTC) DANAFF 2024 Trần Chí Cường chia sẻ: Trong lịch sử giao lưu văn hóa Pháp - Việt lâu dài, điện ảnh Pháp và điện ảnh Việt Nam luôn có những mối quan hệ chặt chẽ, nhiều ý nghĩa. Nhiều phim Pháp với công nghệ, văn hóa làm phim Pháp đã được thực hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Nhiều đạo diễn Việt Nam (hoặc đạo diễn người Pháp gốc Việt) tham gia và được vinh danh tại các LHP lớn của Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, như Trần Anh Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Nhuệ Giang… Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường hy vọng, hội thảo là dịp để các nghệ sĩ, nhà làm phim Việt Nam cùng trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm sản xuất, phát hành phim, các vấn đề về kỹ xảo điện ảnh, hậu kỳ; đồng thời giới thiệu hoạt động kinh doanh nhằm tìm ra nhu cầu, lĩnh vực hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu thảo luận trong hai phiên. Phiên 1: Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam; Phiên 2: Giao lưu, hợp tác điện ảnh Pháp-Việt: những vấn đề liên ngành và liên văn hóa, với nhiều chủ đề như: Điện ảnh Pháp, điện ảnh Việt Nam, góc nhìn từ hai phía; Điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam - những cuộc trở về ký ức; sản xuất phim nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa: kinh nghiệm của Pháp và những gợi ý cho điện ảnh Việt Nam; những ảnh hưởng của điện ảnh "Làn sóng mới" Pháp; phong cách phim Varan (dòng phim được làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp) và những ảnh hưởng từ điện ảnh tài liệu Pháp đến điện ảnh tài liệu Việt Nam...

Thông qua việc khảo sát 4 bộ phim truyện điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam từ 1992 đến 2000: Người tình, Đông Dương, Điện Biên Phủ và Mùa hè chiều thẳng đứng, trình bày tham luận "Điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam - những cuộc trở về ký ức", ông Trần Hình (giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Qua những câu chuyện tìm về ký ức một thời của 4 bộ phim, một bức phác họa chung về con người, bối cảnh, tâm hồn tính cách Việt Nam đã được làm rõ trong các bộ phim này. Điều đó giúp người xem của cả hai dân tộc hiểu nhau hơn. Mối quan hệ giữa hai dân tộc cũng gắn kết chặt chẽ hơn.

Các nghệ sĩ, diễn viên và diễn giả khách mời trao đổi tại Hội thảo.

Các nghệ sĩ, diễn viên và diễn giả khách mời trao đổi tại Hội thảo.

Cũng theo ông Trần Hình, Điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam xuất hiện từ rất sớm. Đó là do Pháp và Việt Nam là hai đất nước có mối quan hệ lịch sử đặc biệt lâu dài (cuộc xâm lược và khai thác thuộc địa của Pháp tại Việt Nam từ 1858 đến 1954). Thời kỳ Pháp thuộc kéo dài gần 1 thế kỷ. Trong khoảng thời gian đó, Việt Nam đã tiếp nhận được những nguồn ánh sáng đến từ phương Tây. Phim giai đoạn này chủ yếu là phim câm, phim đen trắng và chỉ được chiếu ở các vùng đô thị lớn như Sài gòn và Hà Nội, nên tác động và ảnh hưởng của chúng trong cộng đồng còn rất hạn chế… Trong số các dự án điện ảnh nghệ thuật, có một số phim đáng chú ý như: Kim Vân Kiều (1924), Toufou (1925), Huyền thoại Bà Đế (1927), Săn cọp ở An Nam (1936)… trong đó Kim Vân Kiều được coi là nổi tiếng nhất.

Trình bày tham luận "Hội nhập thế giới thông qua phim của các đạo diễn trẻ Việt Nam đương đại: những ảnh hưởng của Điện ảnh Làn sóng mới Pháp", PGS. TS Hoàng Cẩm Giang (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, một thế hệ mới các nhà đạo diễn sinh ra trước chiến tranh và trưởng thành ở Paris đã chủ trương một cuộc cách mạng trong văn hóa "làm phim" cũng như văn hóa "xem phim" hiện thời của nước Pháp.

"Làn sóng mới (Nouvelle Vague)" là cái tên mà thế giới đặt cho họ và cũng là lời hiệu triệu nhiệt thành mà họ dành cho thế giới. Đóng góp độc đáo trước tiên của trào lưu này là sự nhấn mạnh phong cách cá nhân trên cả phong cách trào lưu. Theo đó, nhắc đến Điện ảnh Làn sóng mới Pháp, điều đầu tiên cần nhắc đến tên tuổi các nhà làm phim, sau đó mới là phim của họ: một Godard cá tính, sắc sảo và đầy "khiêu khích", một Truffaut hài hước, thông minh và vô cùng "thực tế"… Các nhà làm phim Làn sóng mới đã kết hợp hài hòa tính ngẫu hứng, tự nhiên của mạch tự sự và xúc cảm diễn xuất với sự trau chuốt những phương diện quen thuộc của điện ảnh truyền thống.

Đối với điện ảnh Việt Nam, làn sóng mới ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả đến dòng phim độc lập thế hệ thứ nhất. Đây là dòng phim của những đạo diễn được đào tạo bài bản về nghề nghiệp làm phim, đồng thời là những người có điều kiện bứt phá để tiếp cận những tư tưởng, khuynh hướng, trào lưu mới từ Châu Âu trong sự nghiệp của mình - ngoài tầm ảnh hưởng của điện ảnh Liên Xô (cũ) và điện ảnh Hollywood. Xét về quan niệm nghệ thuật và phong cách phim, các bộ phim độc lập Việt Nam (như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Síu Phạm,…) có một sự gần gũi và chia sẻ đặc biệt với hệ thống phim.

Chia sẻ về nội dung "Muôn nẻo đến với giải thưởng điện ảnh quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những gợi ý từ phim "Muôn vị nhân gian" của Trần Anh Hùng", PGS. TS Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học) cho rằng, "Muôn vị nhân gian" của Trần Anh Hùng là bộ phim có thể gợi đến nhiều những tham chiếu khác nhau trong lịch sử điện ảnh và lịch sử văn hóa. Mỗi sự tham chiếu này giống như những "điển mẫu" điện ảnh và văn hóa. Chúng đều cho thấy những tiềm năng mà bộ phim có thể đạt được, song chính sự kết hợp lại theo một liều lượng bí ẩn đã tạo nên những cơ hội để bộ phim được thừa nhận tại một LHP danh giá bậc nhất của điện ảnh thế giới.

Thông qua những chia sẻ, thảo luận tại hội thảo đã góp phần làm rõ thêm hơn về mối quan hệ gắn kết giữa điện ảnh Pháp- Việt Nam qua các thời kỳ.

Thanh Hoa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/moi-quan-he-gan-ket-giua-dien-anh-phap-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-post297519.html
Zalo