Mối nguy sau vụ sạc dự phòng phát nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất

Các mẫu pin dự phòng tự chế được làm thủ công, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật có nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại cho thiết bị điện tử.

 Thao tác đóng pin dự phòng tự chế. Ảnh: S.L.Đ.

Thao tác đóng pin dự phòng tự chế. Ảnh: S.L.Đ.

Mới đây, vụ việc pin dự phòng tự chế phát hỏa tại ga quốc tế, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất gây lo lắng trong cộng đồng. Đây vốn là loại vật dụng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ nhưng lại bị nhiều người xem nhẹ. Hiện tại trên các nền tảng, những video hướng dẫn “đóng pin” dạng này rất phổ biến, thu hút nhiều lượt xem. Mặt khác, linh kiện để tự chế pin sạc dự phòng cũng dễ kiếm trên các chợ mạng.

Theo ông Minh Huy, kỹ thuật viên di động tại TP.HCM, pin sạc dự phòng tự chế là loại được lắp ráp từ các thành phần không rõ nguồn gốc, thiếu sự xác minh, kiểm định từ đơn vị sản xuất. Ngoài ra, vì được làm thủ công, sản phẩm cũng không đạt tiêu chuẩn Việt Nam, quốc tế về pin dự phòng. Nó tạo ra nhiều nguy cơ cháy nổ, hỏng hóc thiết bị.

Linh kiện để tự lắp pin dự phòng được bán công khai.

Linh kiện để tự lắp pin dự phòng được bán công khai.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Quang Huy, một người dùng từng tự làm pin dự phòng, cho biết kỹ thuật lắp ráp sản phẩm này khá đơn giản với linh kiện dễ kiếm. “Nó áp dụng lý thuyết vật lý cơ bản, chỉ nối cell pin với BMS rồi lắp vào vỏ”, người này chia sẻ. BMS được nhắc ở trên là hệ thống quản lý pin Li-ion.

Tuy nhiên, ông Huy cũng khẳng định loại sản phẩm này có nhiều nguy cơ, người sử dụng phải tự kiểm soát thiệt hại có thể xảy ra. “Sai lầm hay mắc là quên đo điện áp, cân bằng cell pin trước khi đóng cục, dẫn đến không dùng hết công suất. Nếu lắp đặt sai, chạm mạch, chọn linh kiện kém chất lượng còn có thể dẫn đến cháy nổ”, ông Nguyễn Quang Huy nói thêm.

Ngoài ra theo ông Lê Vũ, CEO công ty phụ kiện Velasboost, các thành phần của một cục pin dự phòng đều có tiêu chuẩn riêng, gồm cả quy trình lắp đặt. Do vậy, những sản phẩm tự chế, không tuân thủ bất kỳ quy tắc kỹ thuật nào, tồn tại rất nhiều nguy cơ.

Ông Quang Huy cũng chia sẻ bản thân đã làm cháy hai pin dự phòng trong quá trình lắp ráp. Hiện người dùng này chỉ sử dụng phụ kiện nói trên cho thiết bị không quan trọng, rẻ tiền như camera theo dõi. “Đi máy bay tôi đều đem theo sạc dự phòng thương hiệu lớn, chỉ dùng loại tự chế tại nhà”, người này nói thêm.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn loại sản phẩm này cũng không dễ dàng. Pin tự chế có thể được đóng trong vỏ của phụ kiện chính hãng, in thông số giả để qua mặt cơ quan quản lý.

Bằng từ khóa “đóng pin dự phòng”, người có nhu cầu dễ dàng tìm thấy các loại linh kiện để tự chế trên Shopee, Lazada. Cell pin các loại, mạch sạc, vỏ hộp, máy hàn… được nhiều shop rao bán công khai.

Ngoài bán linh kiện, một số người còn nhận đóng pin dự phòng theo yêu cầu, bán sản phẩm tự làm. Trong một số nội dung trên TikTok, có người đăng bán cả những cục pin dung lượng lớn hàng trăm nghìn mAh.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-nguy-sau-vu-sac-du-phong-phat-no-o-san-bay-tan-son-nhat-post1489732.html
Zalo