Mỗi người dân là một chiến binh bảo vệ môi trường

Bộ Nông nghiệp và Môi trường kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trở thành những 'chiến binh xanh' vì một Việt Nam không rác thải nhựa.

Thay đổi hành vi vì hành tinh sạch

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là nhựa dùng một lần, nhanh chóng trở thành rác thải, gây ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, lượng rác thải nhựa phát sinh ước tính 1,8 triệu tấn mỗi năm, song chỉ khoảng 27% được tái chế, phần lớn còn lại bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và tiểm ẩn nhiều rủi ro môi trường. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với lượng rác nhựa khổng lồ, trong khi hệ thống thu gom, tái chế chưa đáp ứng kịp...

Nguyên nhân xuất hiện nhiều rác thải nhựa phần lớn là do việc trao đổi, mua bán của người dân tại các cửa hàng tạp hóa, quán ăn đường phố, các khu chợ… Đa phần mọi mặt hàng đều được đựng bằng túi ni-lon hoặc hộp, cốc nhựa dùng một lần. Trong quá trình mua bán, việc sử dụng túi ni-lon dường như đã trở thành thói quen của đa phần người dân.

Bãi biển Quất Lâm (Nam Định) ngập rác thải, túi ni-lon, chai lọ nhựa... dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Bãi biển Quất Lâm (Nam Định) ngập rác thải, túi ni-lon, chai lọ nhựa... dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa tuy dễ sản xuất nhưng rất khó phân hủy. Mỗi loại rác thải nhựa có thời gian phân hủy khác nhau nhưng tính chung, rác thải nhựa phải mất tới hàng chục, hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Bên cạnh đó, việc xử lý, tái chế rác thải nhựa còn nhiều bất cập; việc xử phạt hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường chưa nghiêm khắc khiến rác thải nhựa tràn lan khắp mọi nơi.

Các tổ chức môi trường nhận định, "cuộc chiến" chống rác thải nhựa không phải là một chiến dịch ngắn hạn mà là một quá trình bền bỉ và kiên trì. Sự thay đổi không thể chỉ trông chờ vào các cấp quản lý, mà cần mỗi người dân trở thành một mắt xích trong chuỗi hành động vì môi trường bền vững. Việc thay đổi hành vi tiêu dùng, lối sống của mỗi cá nhân là những hành động trực tiếp góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

"Hôm nay chúng ta mang giỏ đi chợ, ngày mai chúng ta dạy con phân loại rác, ngày kia chúng ta chia sẻ bài viết về tác hại của nhựa dùng một lần trên mạng xã hội... những việc tưởng chừng nhỏ bé ấy, khi được nhân rộng, sẽ tạo ra làn sóng xanh mạnh mẽ trên khắp đất nước, góp phần giảm lượng rác thải nhựa xả ra môi trường, tăng khả năng tái chế", GS.TS Đặng Thị Kim Chi, một trong những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Việt Nam chia sẻ.

Kêu gọi cả cộng đồng cùng vào cuộc

Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay có chủ đề "Chống ô nhiễm nhựa", cũng là lần thứ 2 trong 3 năm (2023 - 2025) chủ đề này được lựa chọn, thể hiện rõ tính ưu tiên toàn cầu trong kiểm soát ô nhiễm nhựa, đồng thời kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động quyết liệt để giải quyết rác thải nhựa - một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất hiện nay.

Hưởng ứng lời kêu gọi hành động vì môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành công văn số 2141/BNNMT-VP về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2025 với trọng tâm là Chiến dịch toàn quốc “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh”.

Các tình nguyện viên tham gia dọn rác thải nhựa dưới chân cầu Long Biên.

Các tình nguyện viên tham gia dọn rác thải nhựa dưới chân cầu Long Biên.

Các hoạt động trọng tâm bao gồm: Tổ chức lễ mít tinh, diễn đàn cộng đồng; ngày “Không nhựa sử dụng một lần”; triển lãm sản phẩm tái chế và mô hình kinh tế tuần hoàn; phát động phong trào “Không nhựa” tại trường học, siêu thị, chợ, cơ quan công sở; ra quân đồng loạt thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom và phân loại rác thải nhựa tại nguồn ở đô thị, nông thôn, khu dân cư; phát động mô hình thu gom, tái chế, tái sử dụng nhựa dùng một lần…

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện, đổi mới công tác phổ biến chính sách bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại và sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Trong đó, lấy truyền thông chính sách làm đòn bẩy thúc đẩy thực thi pháp luật, thay đổi hành vi và tạo chuyển biến rõ nét trong kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa.

Một trong những thông điệp trọng tâm của chiến dịch năm nay là "Hành động xanh - Mỗi người dân là một chiến binh bảo vệ môi trường". Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các cơ quan căn cứ điều kiện thực tế, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2025. Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được kêu gọi trở thành "chiến binh xanh" vì một Việt Nam không rác thải nhựa.

Thế Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/moi-nguoi-dan-la-mot-chien-binh-bao-ve-moi-truong-20250520085942501.htm
Zalo