Mỗi ngày Tết Ất Tỵ, bác sĩ Bạch Mai khám, cấp cứu hơn 400 bệnh nhân, có người 36 tuổi đã đột quỵ
9 ngày Tết Ất Tỵ, các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận thăm khám, cấp cứu hơn 3.700 ca, trong đó gần 2.400 ca cấp cứu. Có nhiều trường hợp cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, đột quỵ, biến chứng tim mạch..., thậm chí 36 tuổi đã đột quỵ.
Ngày Tết, bệnh nhân đột quỵ cấp cứu, nhập viện vẫn tăng
Sáng 3/2 tức mùng 6 Tết Ất Tỵ, ngày đầu tiên đi làm của năm mới, khu vực tiếp đón bệnh nhân của Trung tâm Cấp cứu A9, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) các y bác sĩ không ngừng tất bật tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu trong đó có cả người trẻ, có cả người cao tuổi...
Tại Trung tâm đột quỵ, ThS.BS Nguyễn Minh Anh cho biết "tua trực sáng nay, các y bác sĩ chỉ kịp vội chúc mừng năm mới nhau rồi lại tất tả tiếp nhận thăm khám, xử trí cho bệnh nhân".
9 ngày Tết Ất Tỵ, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận thăm khám, cấp cứu khoảng từ 50-60 bệnh nhân cấp cứu, nhập viện, trong đó có khá nhiều người trẻ.
"Bệnh nhân đến khám cấp cứu, nhập viện với các triệu chứng lâm sàng đa dạng như biến chứng tăng huyết áp, rối loạn ngôn ngữ, ý thức, liệt nửa người... bệnh nhân cần hỗ trợ máy thở gia tăng. Trung bình có thời điểm tăng hơn ngày thường khoảng 30-40% lượt bệnh nhân"- ThS Minh Anh thông tin và nói thêm: Dù là ngày Tết nhưng chúng tôi luôn nỗ lực cấp cứu, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
ThS.BS Minh Anh cho hay trong tua trực tối qua - mùng 5 Tết, các y bác sĩ đã tiếp nhận nam bệnh nhân 36 tuổi ở Hải Dương được gia đình chuyển đến Trung tâm cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, nói khó.
"Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não, tắc động mạch trong não. May mắn bệnh nhân đến bệnh viện vào giờ thứ 4 - 5 sau khi xảy ra tình trạng trên nên đã được can thiệp nội mạch, lấy huyết khố cơ học kịp thời do đó sáng nay - mùng 6 Tết, tri giác của bệnh nhân đã dần ổn hơn. "Chúng tôi hy vọng bệnh nhân sớm ổn định"- ThS.BS Minh Anh nói.
Trường hợp khác là nam bệnh nhân 46 tuổi ở Cầu Giấy - TP Hà Nội nhập viện ngày 29 Tết, vốn có tiền sử tăng huyết áp nhưng bệnh nhân không tuân thủ điều trị, thường xuyên bỏ thuốc huyết áp. Trước khi được đưa vào Trung tâm đột quỵ, sáng 29 Tết, bệnh nhân có ăn sáng cùng các bạn và có uống rượu. Trưa cùng ngày, bệnh nhân đột ngột nói khó, yếu nửa người trái.
"Kết quả phim chụp cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não kèm theo yếu nửa người trái nặng. Nguy cơ phù nề, chảy máu não cao, rơi tình trạng liệt, hôn mê sâu, tuy nhiên sau 5-6 ngày điều trị tích cực, ý thức bệnh nhân đã tỉnh táo, cơ lực tốt hơn nhưng vẫn còn yếu"- ThS.BS Minh Anh cho biết.
Lý do 300 bệnh nhân đến khám cấp cứu ở 'cửa ngõ A9' mỗi ngày Tết
Lý giải nguyên nhân trong dịp Tết bệnh nhân đột quỵ vẫn gia tăng, ThS.BS Minh Anh cho biết có thể do thời điểm gần Tết bệnh nhân ngại tái khám vì tâm lý nghĩ bệnh ổn định, sau Tết đi thăm khám một thể! Cùng đó trong những ngày Tết, việc ăn uống sinh hoạt không điều độ, ăn nhiều đồ ăn chiên rán, thức khuya... dẫn đến nguy cơ cao đột quỵ, tái phát đột quỵ nhất là những trường hợp có bệnh nền sẵn như huyết áp, tiểu dường…
Cũng trong ngày mùng 6 Tết, 'cửa ngõ' cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chuyển đến liên tục. Trước đó, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, tỷ lệ bệnh nhân cấp cứu tăng đột biến, trung bình 300 trường hợp/ngày.
"Bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông và rượu, bia giảm, nhưng bệnh nhân tim mạch và hô hấp tăng nhiều do thời tiết lạnh và do các bệnh mạn tính sẵn nhưng dịp Tết về nhà không tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến phải nhập viện"- ThBS nội trú Nguyễn Như Bình - Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết.
Cũng theo ThS Bình, tuy có nhiều sức ép do tỷ lệ bệnh nhân nhập viện dịp Tết tăng nhưng nhờ có kế hoạch chuẩn bị trước, phân cấp túc trực nên các bác sĩ vẫn đảm bảo công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân.
Trước đó, thông tin về công tác đảm bảo khám chữa bệnh trong dịp Tết Ất Tỵ, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết để công tác cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tốt nhất, Khoa Thận nhân tạo đảm bảo duy trì việc chạy thận nhân tạo chu kỳ theo lịch cho người bệnh đúng thời gian quy định. Các Trung tâm ở vị trí 'tiền phương' như A9, Đột quỵ, Chống độc, Hồi sức tích cực, Tim mạch... luôn trong tâm thế tiếp nhận cấp cứu những trường hợp nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh.
Riêng Trung tâm Cấp cứu A9 được huy động tối đa nhân lực, đồng thời các đơn vị khác cũng bố trí cán bộ y tế để hằng ngày tăng cường cho A9. Các chuyên gia đầu ngành đều có lịch thường trực cụ thể.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng thông tin thêm: "Do trong những ngày Tết nhiệt độ giảm sâu, trời chuyển rét đậm, nên chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phải tăng cường các biện pháp đảm bảo giữ ấm cho người bệnh và người nhà đang điều trị và lưu trú tại bệnh viện".
Theo đó, hệ thống đèn sưởi ngoài trời, chăn ấm và nước sôi đã được phòng Hành chính quản trị, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như các đơn vị trong bệnh viện rà soát, tăng cường, bổ sung hỗ trợ chống rét cho người bệnh, người nhà người bệnh...
Tại bệnh viện hạng đặc biệt này, việc lo các bữa ăn cho cả người bệnh và nhân viên trong dịp Tết được Ban lãnh đạo bệnh viện đặt lên hàng đầu, làm sao các bữa ăn vừa ngon miệng, mang không khí Tết, vừa đủ chất, hợp dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bệnh viện đã huy động các nguồn kinh phí của các nhà hảo tâm tài trợ thông qua phiên "Chợ tết yêu thương" và nguồn kêu gọi của Phòng Công tác xã hội triển khai Gian hàng 0 đồng và Suất ăn ngày Tết để phát miễn phí những nhu yếu phẩm, đồ ăn cho bà con ở lại viện. Hoạt động này được triển khai từ ngày 28 Tết đến hết mùng 5 Tết tức 27/1 đến 2/2.