Mỗi năm Việt Nam có hơn 30.000 người tử vong do tai nạn thương tích
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, trong giai đoạn 2019-2023, mỗi năm có hơn 30.000 người tử vong do tai nạn thương tích, chiếm 7% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Khoảng hơn 80 người tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Tai nạn giao thông, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân hàng đầu.
Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích trên 100.000 dân, giảm khoảng 28%. Gần 500 xã/phường được công nhận Cộng đồng an toàn – phòng, chống tai nạn thương tích.
"Mặc dù vậy, số trường hợp tử vong vẫn duy trì ở mức cao, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tích do biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa... ngay cả tai nạn giao thông, tai nạn lao động cũng vẫn còn nhiều nguy cơ", Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết.
Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Lương Mai Anh, những năm qua, Bộ Y tế triển khai nhiều hoạt động, chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích theo chức năng nhiệm vụ được giao. Điển hình là Luật Khám, chữa bệnh số 15/2023/QH13 đã quy định cụ thể về hoạt động cấp cứu ngoại viện trong đó quy định hoạt động sơ cứu do người có kiến thức hoặc đã qua đào tạo về cấp cứu ngoại viện thực hiện; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ được thông qua ngày 27/6/2024 đã đưa vào một số điểm mới liên quan đến quy định về thiết bị an toàn của trẻ em.
Bộ Y tế đang đề xuất các nội dung liên quan đến các biện pháp can thiệp hiệu quả và sơ cứu tai nạn thương tích trong dự án Luật Phòng bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, một số chương trình và dự án can thiệp dựa vào bằng chứng và theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới đã và đang được nhiều bộ ngành, địa phương thực hiện.