Mỗi năm được khám sức khỏe một lần là quyền lợi của người lao động

Sau phẫu thuật u tuyến giáp, chị Vân Anh mới giật mình nhận ra chưa từng được khám sức khỏe định kỳ. Việc đảm bảo quyền khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của xã hội.

Quyền lợi bị bỏ quên

Chị Nguyễn Thị Vân Anh (43 tuổi, viên chức đơn vị sự nghiệp tại Hà Nội) tham gia bảo hiểm nhân thọ với Công ty M. từ năm 2021. Đầu năm 2025, sau khi được bác sĩ chẩn đoán mắc u tuyến giáp, chị làm hồ sơ gửi công ty bảo hiểm để yêu cầu chi trả quyền lợi điều trị và quyền lợi bệnh lý.

Hồ sơ của chị bị yêu cầu bổ sung tới 3 lần với lý do: Thiếu các tài liệu thể hiện việc theo dõi sức khỏe định kỳ trước thời điểm phát bệnh. Lúc này chị mới nhận ra: Làm việc gần 20 năm mà chưa từng đi khám và không được tham gia khám sức khỏe định kỳ từ phía cơ quan là một thiệt thòi.

"Mình không hề biết có quyền lợi được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Thấy sức khỏe ổn, mình cũng không đi khám. Giờ phát hiện bệnh, mới thấy đó là quyền lợi chính đáng mà mình đã bỏ qua", chị Vân Anh chia sẻ.

Câu chuyện của chị Vân Anh là phổ biến. Nhiều người lao động chỉ tìm đến cơ sở y tế khám sức khỏe tổng quát khi cần làm hồ sơ xin việc hoặc bổ nhiệm lại, đăng ký hồ sơ cấp phép lái xe... ít ai để tâm đến việc khám định kỳ mỗi năm một lần là điều cần thiết phải làm cho bản thân. Một quyền lợi đã được luật hóa, nhưng bị coi nhẹ bởi chính người lao động, doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan quản lý.

Khám sức khỏe định kỳ là một nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thuộc hệ thống y tế dự phòng, được khuyến khích thực hiện cho toàn dân (Ảnh D.T).

Khám sức khỏe định kỳ là một nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thuộc hệ thống y tế dự phòng, được khuyến khích thực hiện cho toàn dân (Ảnh D.T).

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2023, khám sức khỏe định kỳ là một nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thuộc hệ thống y tế dự phòng, được khuyến khích thực hiện cho toàn dân. Tuy nhiên, luật không quy định bắt buộc khám định kỳ đối với mọi cá nhân, mà chỉ bắt buộc với một số đối tượng cụ thể như người làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người bị giam giữ…

Theo khoản 1, Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động: Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

Tuy nhiên, trên thực tế, nghĩa vụ này bị bỏ qua khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng lao động thời vụ, không ký hợp đồng dài hạn. Các đơn vị "lách luật" bằng hình thức cộng tác viên, khoán việc, thuê ngoài…

Ở góc độ người lao động, nhiều người thừa nhận họ không quan tâm đúng mức đến việc khám sức khỏe định kỳ, dù biết là quyền lợi của mình. Một phần vì tâm lý "không bệnh thì không cần khám", phần khác vì lo ngại bị phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến công việc hoặc bị phân biệt đối xử.

Ngoài những nội dung khám tổng quát cơ bản, các cơ sở y tế luôn bố trí cán bộ y tế tư vấn các dịch vụ phục vụ tầm soát nâng cao cho người có nguy cơ bệnh hoặc theo dõi chuyên sâu các vấn đề sức khỏe đã có (Ảnh minh họa).

Ngoài những nội dung khám tổng quát cơ bản, các cơ sở y tế luôn bố trí cán bộ y tế tư vấn các dịch vụ phục vụ tầm soát nâng cao cho người có nguy cơ bệnh hoặc theo dõi chuyên sâu các vấn đề sức khỏe đã có (Ảnh minh họa).

Anh Nguyễn Đình Cao, công nhân một cơ sở may mặc xuất khẩu tại Nam Trực (Nam Định), chia sẻ: "Mấy năm làm ở đây, tôi chưa thấy ai nói gì đến chuyện đi khám sức khỏe cả. Lúc ký hợp đồng cũng không thấy đề cập. Nếu có tổ chức khám thì chắc tôi cũng đi, nhưng chưa từng thấy công ty nhắc".

Nhiều người khác cho biết dù có đi khám, nhưng không được giải thích kỹ về kết quả; không biết lưu hồ sơ ở đâu, có được dùng khi cần hay không; không hiểu rõ khám sức khỏe này có liên quan gì đến quyền lợi bảo hiểm, nghỉ ốm, hay xét duyệt các chế độ khác.

Thực tế này phản ánh một nghịch lý: Việc khám sức khỏe định kỳ là quyền lợi có thật, nhưng chưa thực sự được quan tâm đúng mức từ phía các doanh nghiệp sử dụng lao động và bản thân người lao động.

Liên quan đến khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, luật sư Nguyễn Đức Hùng (Công ty Luật TNHH TGS) lưu ý có 5 quy định doanh nghiệp cần nắm rõ là: Phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất mỗi năm/lần; Doanh nghiệp có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh sao cho bảo đảm yêu cầu, chuyên môn kỹ thuật; Hồ sơ khám sức khỏe định kỳ của người lao động là Sổ khám sức khỏe định kỳ (theo mẫu) kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đối với trường hợp nhân viên đi khám đơn lẻ; Nội dung khám sức khỏe định kỳ căn cứ theo khoản 3 Điều 36; Thông tư số 32/2023/TT-BYT...

Đồng thời, doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên sẽ phải đối diện với quy định xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP; Chi phí khám sức khỏe định kỳ được hạch toán vào chi phí được trừ sau khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thì được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên.

Phấn đấu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm/lần

Một doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên và khách hàng ngay tại văn phòng làm việc (Ảnh: TL).

Một doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên và khách hàng ngay tại văn phòng làm việc (Ảnh: TL).

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết luận thống nhất chủ trương khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần cho toàn dân, giao Đảng ủy Bộ Y tế xây dựng đề án cụ thể trình Chính phủ, tiến tới miễn viện phí cho người dân.

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài mà là mục tiêu toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện. Đây là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng khẳng định: ngành y tế phấn đấu 100% người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần.

Việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động tích cực trong tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Với doanh nghiệp và người lao động, việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn đồng nghĩa với việc chất lượng lao động năng suất cao hơn, góp phần tăng trưởng GDP và giảm nguy cơ tụt hậu về kinh tế, thúc đẩy công bằng xã hội.

Ngành Y tế định hướng, từ 2026-2030, 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng vaccine đầy đủ theo độ tuổi, đối tượng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe tâm thần, y tế học đường, sàng lọc nguy cơ sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, quản lý bệnh mạn tính, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa tổng quát, y học gia đình ngay từ y tế cơ sở. 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần.

"Chúng tôi ước tính 100 triệu dân với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/ người thì phải chi khoảng 25.000 tỷ/năm", ông Thuấn cho biết.

Ở nhiều quốc gia phát triển, khám sức khỏe định kỳ là điều gần như bắt buộc, không chỉ để bảo vệ sức khỏe cá nhân, mà còn để giảm chi phí y tế và phát hiện bệnh sớm ở cấp độ cộng đồng.

Bác sĩ Lê Hữu Nghị, Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Thành cho rằng: "Muốn phổ cập khám sức khỏe định kỳ, không thể chỉ dừng ở vận động. Phải có chế tài xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm; đồng thời cần đầu tư ngân sách, hướng dẫn cụ thể về tích hợp hồ sơ khám vào hệ thống sức khỏe điện tử, để mọi quyền lợi được minh bạch và theo dõi".

Được biết, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID. Đến nay, đã có hơn 26,6 triệu hồ sơ được lập, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và theo dõi sức khỏe người dân. Việc tích hợp hồ sơ sức khỏe vào hệ thống điện tử như VNeID giúp minh bạch hóa thông tin và thuận tiện trong việc quản lý, theo dõi sức khỏe người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng: khám sức khỏe định kỳ cho người dân không phải là điều quá xa vời nếu có một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản, để ai ai cũng được chăm sóc sức khỏe.

Khoản 2, Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Theo thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về danh mục khám sức khỏe định kỳ bắt buộc gồm: Khám lâm sàng (mắt, tai mũi họng, răng miệng, khám phụ khoa đối với nữ); Xét nghiệm máu thường quy: Xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm nước tiểu; chẩn đoán hình ảnh qua siêu âm và chụp XQ, đo loãng xương, điện não đồ, điện tâm đồ. Trong trường hợp phát hiện các bất thường trong quá trình khám, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các kỹ thuật cao như chụp cộng hưởng từ MRI, chụp CT-Scanner...

Dương Thy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/moi-nam-duoc-kham-suc-khoe-mot-lan-la-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-192250511004618355.htm
Zalo