Mối lo doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy thua lỗ trước gánh nặng chi phí cao

Gánh nặng từ các khoản chi phí ở mức cao trong khi thị trường còn nhiều khó khăn khiến cho không ít doanh nghiệp lao đao, rơi vào vòng xoáy thua lỗ. Mong rằng tiếp tục có những chính sách có tính chất sát sườn hơn nhằm giúp họ kéo giảm được phần nào áp lực chi phí để có đường hướng phục hồi.

Điển hình về một trong những doanh nghiệp (DN) đang rơi vào vòng xoáy thua lỗ phải kể đến CTCP nước giải khát Chương Dương (SCD). Trong tài liệu phục vụ cho đại hội cổ đông thường niên năm 2025, DN này cho biết trong kế hoạch năm 2025 thì khoản lỗ sau thuế vẫn còn ở mức 80,49 tỷ đồng, mặc dù đã tối ưu chi phí vận hành, chủ yếu do phí sử dụng đất ước tính vẫn ở mức cao, bên cạnh việc phát sinh chi phí lãi vay liên quan các khoản vay trước đó.

Chi phí càng lớn thua lỗ càng nặng

Riêng hồi quý 1/2025, SCD tiếp tục báo lợi nhuận âm gần 17 tỷ đồng, đây là quý thứ 13 liên tiếp mà DN này báo lỗ. Giải trình về kết quả thua lỗ trên, lãnh đạo của Chương Dương cho biết đang tiếp tục phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đường và nhôm ngày càng tăng. Tính đến cuối quý I/2024, SCD đã có khoản vay và thuê nợ tài chính gần 610 tỷ đồng.

Để DN thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ vì gánh nặng chi phí cao đang cần khâu chính sách hỗ trợ cần tiếp tục sát sườn hơn.

Để DN thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ vì gánh nặng chi phí cao đang cần khâu chính sách hỗ trợ cần tiếp tục sát sườn hơn.

Thực ra hoạt động của SCD liên tiếp bị lỗ kể từ năm 2021 (đỉnh điểm là kết quả kinh doanh năm 2023 lỗ 119 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí tăng khi dời nhà máy về Nhơn Trạch cùng một số vấn đề khác. Điều đó dẫn đến thiếu hụt về dòng tiền, và tác động lớn nhất là tăng chi phí thuê đất do các quy định về đất đai áp dụng từ tháng 8/2024.

Về chi phí tiền thuê đất, như trình bày của ông Tan Teck Chuan Leste, Chủ tịch HĐQT của SCD, tổng chi phí thuê đất từ 30,7 tỷ đồng hồi năm 2024 đã tăng lên 48,5 tỷ đồng trong năm 2025. Và như dự báo chi phí tiền thuê đất năm 2026 dự kiến bằng với chi phí ước tính trong kế hoạch tài chính năm 2025.

Còn ở ngành thép, cũng vì áp lực chi phí cao nên có không ít DN đối mặt với tình trạng thua lỗ. Đơn cử như CTCP Gang thép Cao Bằng (CBI) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh trong quý 1/2025 cho thấy lỗ sau thuế hơn 50,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý là chi phí bán hàng của công ty này trong quý 1/2025 đã tăng vọt lên hơn 12 tỷ đồng, gấp gần 25 lần cùng kỳ, chủ yếu do chi phí vận chuyển phôi thép. Riêng hồi năm 2024, CBI lỗ lũy kế lên tới 160 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc đối mặt với chi phí cao cũng không ngoại lệ với DN ngành thủy sản. Mới đây, trong báo cáo thường niên được đưa ra vào tháng 4/2025, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), có lưu ý rằng bên cạnh áp lực từ thị trường, ngành tôm Việt Nam còn phải đối mặt với các thách thức nội tại, đặc biệt là vấn đề chi phí sản xuất cao.

Ngoài ra, theo ông Quang, chi phí đầu vào, bao gồm thức ăn, điện, con giống và lao động tiếp tục ở mức cao, khiến DN và người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hiệu quả sản xuất.

Nên nhắc lại, hồi tháng 2/2025, MPC đã công bố khoản lỗ sau thuế 234 tỷ đồng trong năm 2024 - mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay bất chấp doanh thu bán hàng vẫn tăng mạnh. Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 cho thấy giá vốn lại đội lên cao, chiếm gần 98% doanh thu và tăng gần 30% so với quý 4/2023.

Trên thực tế, rủi ro về lãi suất là một trong những thách thức lớn đối với DN này. Như hồi năm 2024, MPC tiếp tục đối mặt với rủi ro lãi suất cho vay cao, đặc biệt khi cơ cấu vốn vay hiện tại của công ty chủ yếu là nợ ngắn hạn. Nợ của Minh Phú chiếm khoảng 50% tổng tài sản, trong đó hơn 90% là nợ ngắn hạn. Điều này khiến công ty chịu áp lực lớn khi lãi suất thị trường biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí tài chính.

Hơn nữa, hồi năm rồi, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 0,5-1 điểm phần trăm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng lãi suất vay thương mại vẫn dao động từ 6,7% đến 9,1% tùy thuộc vào lĩnh vực và uy tín tín dụng của DN. Điều này tạo áp lực lớn lên chi phí lãi vay của MPC, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu và chi phí vận hành tăng cao.

Vẫn chờ chính sách sát sườn hơn

Tỷ lệ nợ ngắn hạn cao khiến Minh Phú gặp thách thức trong quản lý tài chính. Khi thị trường biến động, công ty dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và hoạt động sản xuất. Ngoài ra, chi phí lãi vay cao làm giảm lợi nhuận, khiến Minh Phú gặp khó khăn trong việc tái đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Ngoài ra, cũng nên nhắc thêm đến báo cáo khảo sát gần đây của Hiệp hội DN Tp.HCM, trong đó thể hiện 38% DN tham gia khảo sát phản ánh là chịu áp lực chi phí nguyên liệu tăng. Đặc biệt, 39% DN ghi nhận lợi nhuận giảm, phản ánh áp lực chi phí ngày càng lớn.

Và trước gánh nặng chi phí, để tránh thua lỗ trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và khó khăn như hiện nay, điều mong mỏi của các DN là cần được sự đồng cảm, tiếp sức từ khâu chính sách một cách sát sườn hơn nữa để họ có đường hướng phục hồi.

Chẳng hạn như trước “đòn thuế” từ Mỹ, mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) kiến nghị Chính phủ và các Bộ tiếp tục có chính sách nhằm giảm chi phí về thuế, phí, tín dụng, hải quan và điện.

Cụ thể là nên tiếp tục có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cho DN ít nhất đến hết năm 2025; tiếp tục duy trì gói tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản ở mức 100 nghìn tỷ đồng hoặc hơn theo nhu cầu đến hết năm 2026; có chính sách giảm lãi vay, cho phép DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ cho hàng tồn kho đã mua để sản xuất xuất khẩu sang Mỹ; giảm giá điện cho các container lạnh tại cảng đối với hàng tồn kho do không xuất khẩu được sang Mỹ…

Riêng đối với việc giảm tiền thuê đất, cần ghi nhận sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ khi trong trung tuần tháng 4/2025 đã ban hành Nghị định 87/2025/NĐ-CP quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024. Theo đó, sẽ giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người sử dụng đất thuộc đối tượng quy định.

Ước tính sẽ có 23.487 DN được thụ hưởng chính sách giảm 30% tiền thuê đất từ nghị định này. Điều đó sẽ giúp các DN có thêm nguồn lực tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, là động lực cho họ duy trì sản xuất, kinh doanh, không phải đi vay và trả lãi vay.

Tuy nhiên, ngoài Nghị định 87/2025/NĐ-CP thì nên có thêm có những chính sách khác nữa để gỡ khó về mặt chi phí cao cho các DN trong lúc khó khăn này. Nhất là với những DN nhỏ và vừa, với quy mô, doanh số, doanh thu hạn chế, thì việc giảm các khoản thuế, phí, tín dụng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng nên nỗ lực nhiều hơn trong việc kéo giảm tối ưu các loại chi phí để không phải tiếp tục rơi vào vòng xoáy thua lỗ.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/moi-lo-doanh-nghiep-roi-vao-vong-xoay-thua-lo-truoc-ganh-nang-chi-phi-cao-1106266.html
Zalo