Mối lo bất bình đẳng gia tăng khi tài sản của các tỷ phú Ấn Độ không ngừng tăng lên
Báo cáo mới về xu hướng gia tăng tài sản của các tỷ phú Ấn Độ đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng ở quốc gia này trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Theo báo cáo công bố vào đầu tháng này của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, tài sản của các tỷ phú Ấn Độ đã tăng 42% vào năm 2024, lên 905 tỷ USD. Báo cáo cho thấy số lượng tỷ phú ở quốc gia này đã tăng 56%, lên 185 người trong năm nay.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh một số tỷ phú ở Ấn Độ đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ. Trong số đó có tỷ phú Gautam Adani, người đang phải đối mặt với cáo buộc hối lộ tại Mỹ. Vụ việc đã khiến các chính trị gia đối lập của Ấn Độ lên tiếng phản đối về mối quan hệ chặt chẽ giữa Tập đoàn Adani và Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.
Các nhà phân tích cũng lưu ý xu hướng gia tăng tài sản của các tỷ phú Ấn Độ đã vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này, vốn đã chậm lại ở mức thấp nhất trong hai năm là 5,4% trong quý 4 - 6.
Giáo sư Lawrence Loh tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định xu hướng gia tăng tài sản này một phần là do sự phục hồi của thị trường chứng khoán. Giáo sự Loh cho biết báo cáo đã thu hút sự chú ý của công chúng ở Ấn Độ vào tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng và có thể gây áp lực lên New Delhi để giải quyết vấn đề này.
“Mặc dù tăng trưởng kinh tế chung có thể chậm lại, một số người vẫn có thể trở nên rất giàu có. Nếu nhìn vào tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Ấn Độ, người nghèo đang ngày càng nghèo hơn và người giàu đang ngày càng giàu hơn”, ông nói.
Báo cáo của World Inequality Lab công bố hồi tháng 3 chỉ ra Ấn Độ nằm trong số những nước có tình trạng bất bình đẳng thu nhập cao nhất thế giới.
Theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm nghiên cứu Pew, Ấn Độ có 1,2 tỷ người có thu nhập thấp, 66 triệu người có thu nhập trung bình, 16 triệu người có thu nhập trung bình khá và gần 2 triệu người trong nhóm thu nhập cao.
Ông Jamus Lim, Phó giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh ESSEC, châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Ấn Độ phải đảm bảo bất bình đẳng sẽ không trở nên “quá mức”, bởi cái giá phải trả sẽ là kinh tế tăng trưởng chậm lại.
“Ấn Độ sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều tỷ phú xuất hiện hơn trong những năm tới. Miễn là điều này đi kèm với sự nâng cao ổn định của tầng lớp trung lưu và thấp hơn, thì hầu hết mọi người sẽ coi đây là một sự đánh đổi có thể chấp nhận được”, ông nói.
Trích dẫn những phát hiện của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Simon Kuznets, Phó giáo sư Lim cho biết không có gì bất thường khi một quốc gia đang phát triển nhanh như Ấn Độ trải qua sự gia tăng, sau đó là tình trạng giảm bất bình đẳng thu nhập cùng với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.
Sau cáo buộc hối lộ của tỷ phú Adani, Giáo sư Loh cho rằng đảng cầm quyền sẽ phải đối mặt với những áp lực chính trị. Đối với Chính quyền của Tổng thống Modi, áp lực rất rất lớn vì những mối liên hệ được cho là giữa chính quyền với và Tập đoàn kinh doanh Adani.
Theo Phó giáo sư Lim của ESSEC, một trong những ưu tiên kinh tế lớn nhất ở Ấn Độ là đảm bảo quyền lực của các tập đoàn lớn nhất của nước này không bị kiểm soát, cùng với nhu cầu thúc đẩy sự vững mạnh của môi trường kinh doanh và pháp quyền.
Các nhà phân tích lập luận sự gia tăng tài sản của các tỷ phú Ấn Độ cũng làm dấy lên lo ngại rằng tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn ở mức cao và có thể làm chệch hướng các nỗ lực giảm bất bình đẳng thu nhập.
Theo ông Loh, New Delhi có thể sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn nữa trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là trong nhóm người Ấn Độ trẻ tuổi.
Trong bối cảnh đó, Chính quyền của Tổng thống Modi đã chuyển hướng nền kinh tế từ dịch vụ sang sản xuất nhằm thu hút thêm đầu tư từ các công ty trong nước và quốc tế và giúp thanh niên Ấn Độ tìm được việc làm.
Theo báo cáo của UBS, với sự giàu có ngày càng tăng của các tỷ phú Ấn Độ, các đối tác Trung Quốc của họ đã chứng kiến sự suy giảm tài sản 20%.