Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng lớn lên trong an toàn và yêu thương
Sau hơn một năm triển khai Dự án 'Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em', các địa phương trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận những kết quả bước đầu tích cực, góp phần hình thành môi trường sống an toàn và thân thiện cho trẻ em.

Trẻ em thuộc các xã hưởng lợi từ dự án được trang bị kiến thức về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em.
Trước khi dự án được triển khai, khảo sát tại 15 xã, phường trên địa bàn tỉnh đã cho thấy thực trạng báo động: khoảng 80% trẻ em từ 6 - 15 tuổi và 70% phụ huynh trong tổng số hơn 44.000 hộ gia đình chưa có hiểu biết đúng đắn về bạo lực thể chất đối với trẻ em. Việc đánh đòn, đe dọa, mắng nhiếc vẫn được xem là “cách dạy con bình thường”, không được nhìn nhận là hành vi bạo lực. Chị Nguyễn Thị Hà, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) thẳng thắn chia sẻ: “Tôi từng nghĩ dạy con phải nghiêm, đôi khi phải dùng đòn roi để răn đe. Nhưng nhờ dự án, tôi mới hiểu điều đó có thể để lại tổn thương tâm lý lâu dài cho con mình”. Không chỉ trong gia đình, tình trạng bạo lực thể chất còn diễn ra ở nhà trường, nơi trẻ em chưa được trang bị kỹ năng tự bảo vệ và chưa biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ. Cơ chế phản ứng trước các vụ việc chưa rõ ràng, thiếu quy trình xử lý nhất quán giữa các cơ quan chức năng...
Xuất phát từ thực tế trên, từ tháng 11/2023, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em”. Dự án kéo dài 3 năm, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong giáo dục trẻ và củng cố cơ chế bảo vệ, can thiệp khi có trẻ bị bạo lực. Nhằm triển khai dự án đạt hiệu quả cao, các giải pháp đồng bộ đã được thực hiện như: Đào tạo và truyền thông sâu rộng cho 300 tuyên truyền viên là người lớn và 200 trẻ em được đào tạo về phương pháp nuôi dạy tích cực; 250 cán bộ chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội tại 15 xã, phường đã được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nhận diện, phòng ngừa và can thiệp trong các vụ bạo lực thể chất đối với trẻ em. Bên cạnh đó, các hội thảo chuyên đề cấp huyện được tổ chức đã giúp các bên liên quan phối hợp rõ ràng, trách nhiệm hơn trong xử lý, hỗ trợ trẻ bị bạo lực.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, cho biết: “Chúng tôi xác định, để giảm thiểu bạo lực với trẻ em, không thể chỉ can thiệp vào một vài vụ việc, mà cần thay đổi nhận thức toàn xã hội. Điều quan trọng là xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên và củng cố cơ chế phản ứng nhanh, hỗ trợ kịp thời và đúng hướng”.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, những tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện ở cộng đồng, gia đình và chính quyền địa phương. Theo thống kê sơ bộ, trên 5.000 trẻ em và 30.000 phụ huynh tại các địa bàn dự án đã được tiếp cận thông tin về bạo lực thể chất và giáo dục tích cực. Trong đó, tại hơn 2.400 hộ gia đình, hành vi sử dụng bạo lực để dạy con đã giảm rõ rệt, thay vào đó là đối thoại, khen ngợi và đồng hành cùng con.
Em Lê Hoàng Nam, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), một tuyên truyền viên nhỏ tuổi chia sẻ: "Trước đây em thường bị bố mẹ la mắng khi học không tốt. Bây giờ, bố mẹ hiểu hơn và hay hỏi em cần giúp gì, cũng không quát mắng nữa".
Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em” đã cho thấy hiệu quả bước đầu khi từng gia đình, từng cán bộ cơ sở thay đổi từ nhận thức đến hành vi. Những chuyển biến tích cực ấy không chỉ mang tính tạm thời, mà cần được duy trì, nhân rộng để tạo nên môi trường sống an toàn, thân thiện và giàu tình yêu thương cho trẻ. Để hướng đến sự bền vững, các ban, sở, ngành, các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục đào tạo và duy trì mạng lưới tuyên truyền viên; tích hợp nội dung giáo dục không bạo lực trong trường học, đoàn thể; đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ trẻ em; đặc biệt là hoàn thiện quy trình phối hợp liên ngành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Quan trọng hơn cả, sự chung tay từ gia đình, nhà trường đến chính quyền và toàn xã hội sẽ là “vòng tròn yêu thương” vững chắc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực - để các em được lớn lên đúng nghĩa trong sự tôn trọng và an toàn.
Ông Trịnh Ngọc Dũng cho biết thêm: “Đề án phòng chống bạo lực thể chất đối với trẻ em tại Thanh Hóa không chỉ mang tính thử nghiệm mà là bước đi chiến lược trong xây dựng xã hội thân thiện với trẻ. Từ hành vi cụ thể trong mỗi gia đình, đến cơ chế hỗ trợ ở từng xã, phường - tất cả đang cùng tạo thành một vòng tròn bảo vệ trẻ em, đặt các em ở trung tâm của yêu thương và phát triển bền vững. Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi hôm nay sẽ tạo tiền đề cho một thế hệ tương lai được sống, học tập và phát triển trong môi trường an toàn, tôn trọng và đầy yêu thương”.