Mỗi công dân có một sổ sức khỏe điện tử

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung phấn đấu để mỗi công dân Việt Nam sở hữu một sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID

Chiều 2-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.

Đồng bộ dữ liệu y tế

Tại hội nghị, đại điện Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp báo cáo đã tạo lập được 32.062.931 dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có 14.638.905 công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt tỉ lệ 98,6%, dữ liệu đồng bộ liên thông qua BHXH để tích hợp vào VNeID, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Về giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám, đã tạo lập được 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về giấy hẹn khám lại. Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tích hợp trên VNeID để sẵn sàng công bố trên toàn quốc để người dân sử dụng… Từ những kết quả trên giúp tiết kiệm khoảng 1.150 tỉ đồng/năm.

Đặc biệt, khi dữ liệu được liên thông giữa các bệnh viện (dữ liệu xét nghiệm, chẩn đoán...) sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như giúp phục vụ chẩn đoán chính xác và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh. Cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích dữ liệu sức khỏe người dân để thống kê, tổng hợp, dự báo, đưa ra các chính sách quản lý nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đánh giá ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và tiến tới bệnh án điện tử sẽ mang lại hiệu quả, tác động rất to lớn. Bệnh viện Bạch Mai ước tính mỗi năm cần 50 tỉ đồng để mua phim cho chiếu chụp, vừa tốn kém, ảnh hưởng môi trường, khó lưu giữ lâu. Ngoài ra, với sổ sức khỏe điện tử, các bệnh viện có thể căn cứ dữ liệu liên thông để đưa ra các quyết định y khoa. Mặt khác, nguồn dữ liệu của các bệnh viện tuyến đầu cả nước là rất lớn, nhưng hiện lưu trữ giấy nên rất khó ứng dụng vào nghiên cứu.

"Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bạch Mai đang nằm trên kho dữ liệu nhưng là dữ liệu chết, phải số hóa để làm sống lại khu dữ liệu đó. Làm được điều này, sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để ngành y Việt Nam có những nghiên cứu công bố quốc tế. Bệnh viện Bạch Mai muốn tiến tới thí điểm bệnh án điện tử và nếu thành công sẽ hướng dẫn các bệnh viện khác" - ông Đào Xuân Cơ nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút triển khai sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốcẢnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút triển khai sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốcẢnh: Nhật Bắc

Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là chỉ bàn làm không bàn lùi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Các bộ ngành địa phương phải tập trung xây dựng dữ liệu của mình theo tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống, theo thời gian thực" và phải kết nối chia sẻ dữ liệu với nhau, trong đó có sổ sức khỏe điện tử và phiếu lý lịch tư pháp.

Về mục tiêu, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi công dân Việt Nam kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.

Người đứng đầu Chính phủ giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương, nhất là đối với Bộ Công an phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thuận tiện.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an đề xuất triển khai, tích hợp tiếp những loại giấy tờ đang quản lý và cung cấp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID (như xác nhận tình trạng hôn nhân, thông báo thi hành án dân sự, thông tin giáo dục, đào tạo...). UBND các tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2024.

Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế sổ khám chữa bệnh bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024 và đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân thực hiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID…

Tiết kiệm 400 tỉ đồng mỗi năm

Về triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên - Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương. Với nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp hằng năm là khoảng 2,6 triệu yêu cầu cả nước, khi người dân thực hiện đăng ký giúp tiết kiệm khoảng 400 tỉ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.

Bảo Trân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-cong-dan-co-mot-so-suc-khoe-dien-tu-196241002210759234.htm
Zalo