Mối bận tâm lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025
Theo SGI Capital, mối bận tâm lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 tiếp tục được nhìn nhận đến từ áp lực bán ròng từ khối ngoại.
Chứng khoán Mỹ biến động mạnh sẽ tác động lên thị trường toàn cầu
Trong báo cáo mới công bố, SGI Capital nhận định về bối cảnh thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục neo ở vùng đỉnh với định giá cao dựa trên kỳ vọng tăng trưởng EPS trên 15% nhờ nhiều chính sách hỗ trợ từ chính phủ mới. Tỷ trọng đầu tư chứng khoán của hộ gia đình Mỹ đang cao kỷ lục và tỷ lệ người dân Mỹ đang lạc quan về chứng khoán trong 12 tháng tới đang ở mức cao lịch sử.
Tuy vậy, SGI Capital phân tích, những tín hiệu suy yếu báo hiệu cuối chu kỳ vẫn đang lần lượt xuất hiện như tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, 43% nhóm doanh nghiệp niêm yết quy mô nhỏ và vừa đang thua lỗ, các ngân hàng nhỏ có tới 70% tín dụng có liên quan tới bất động sản thương mại tiềm ẩn khả năng vỡ nợ, nền lãi suất neo cao dẫn tới tỷ lệ chậm trả nợ thẻ tín dụng và vay ô tô tăng lên mức cao.
"Sau hai năm 2023-2024 đều có mức tăng mạnh trên 25%, thị trường chứng khoán Mỹ 2025 sẽ là năm rủi ro cao hơn với nhiều biến động mạnh có thể gây tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu," SGI Capital nhìn nhận.
Khối ngoại vẫn gây áp lực lên thị trường chứng khoán 2025
Đối với thị trường Việt Nam, SGI nhận định kinh tế Việt Nam đi qua năm 2024 với nhiều kết quả vượt kỳ vọng như tăng trưởng GDP vượt 7%, sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân tốt và thị trường bán lẻ nội địa ấm dần lên. Những yếu tố vĩ mô chính nhìn chung vẫn trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực.
Quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao của Chính phủ đang mang lại hy vọng và lạc quan cho giới doanh nghiệp cũng như các thị trường chứng khoán và bất động sản. Tuy vậy, chiến lược và các chính sách thực thi cụ thể vẫn được trông chờ rõ ràng hơn trong bối cảnh thách thức và rủi ro cả trong và ngoài nước đang hiện hữu hơn trong năm 2025, theo SGI Capital.
Khác với bối cảnh đầu 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào 2025 kém thuận lợi hơn khi hai lực đẩy quan trọng là dòng tiền và tăng trưởng nội tại doanh nghiệp đều có biểu hiện suy yếu đáng kể. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng đã hết dư địa, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi hệ thống ngân hàng sẽ phải huy động một lượng vốn rất lớn tương ứng.
Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng mạnh hơn kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền nội trên thị trường chứng khoán vốn đã cạn kiệt sau những đợt bán ròng của khối ngoại và phát hành từ các doanh nghiệp niêm yết.
"Những giai đoạn nới lỏng tiền tệ luôn chứng kiến dòng tiền nội chảy vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ hấp thụ và thậm chí áp đảo nguồn cung khối ngoại để duy trì đà tăng tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, khi giai đoạn nới lỏng đi qua, lãi suất nhích tăng trở lại, dòng tiền nội suy yếu khiến thanh khoản tụt giảm, rủi ro giảm giá sẽ tăng lên nếu khối ngoại vẫn duy trì bán ròng hoặc có những biến cố khiến nguồn cung tăng đột biến," báo cáo nêu rõ.
Mối bận tâm lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 và cả 2025 được SGI nhìn nhận đến từ áp lực bán ròng từ khối ngoại. Mức bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỷ năm ngoái đã khiến VN-Index không thể vượt qua mốc 1.300 điểm dù dòng tiền nội đã tham gia mạnh mẽ và hấp thụ tốt lượng cung này.
Thị trường luôn đồng thuận về sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như khả năng sớm nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sẽ thu hút dòng vốn ngoại, nhưng thực tế đang diễn ra trái ngược. Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh 4/5 năm gần đây với tỷ lệ bán lớn bậc nhất khu vực nếu tính trên vốn hóa hay tổng giá trị nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ.
Thêm vào đó, đội ngũ phân tích nhận định, định giá thị trường Việt Nam không hấp dẫn hơn nhiều so với các thị trường khác dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính, và bất động sản. Bởi vậy, theo SGI Capital, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại mua ròng trong 2025 sẽ khó khả thi nếu định giá chưa đủ rẻ và rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu.