Mổ xẻ bất cập về đề xuất mới đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Đề cập tới đề xuất tiêu chí tần suất giao dịch với nhà đầu tư chuyên nghiệp tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất, chuyên gia chứng khoán nhận định điều này có thể tạo rào cản cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu. Theo đó, việc huy động vốn của doanh nghiệp thêm khó, trong bối cảnh thanh khoản thị trường này đang ở mức thấp sau những đổ vỡ xảy ra năm 2022.
Bất cập quy định tần suất giao dịch
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Dự thảo bổ sung thêm điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đưa ra một số yêu cầu cho tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng.
Theo dự thảo, điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với cá nhân bổ sung quy định: Phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất; thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng mỗi năm trong 2 năm gần nhất.
Đối với nhà đầu tư tổ chức, công ty vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải là tổ chức.
Giới đầu tư, phân tích cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không phải thị trường dành cho đại chúng. Theo đó, quy định nhà đầu tư tham gia thị trường phải đáp ứng được các điều kiện nhất định là phù hợp. Tuy nhiên, đề xuất áp tiêu chí tần suất giao dịch để xác định sự chuyên nghiệp còn bất cập.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS) - cho rằng yếu tố tần suất giao dịch rất khó để định lượng, định tính. Giao dịch nhiều không đồng nghĩa nhà đầu tư nhận biết rủi ro tốt.
“Cách tốt nhất là yêu cầu nhà đầu tư mua thông qua các quỹ, đẩy chức năng thẩm định, áp lực thanh khoản về phía quỹ. Nếu cho trái phiếu giao dịch trên thị trường thứ cấp, nên cho phép sử dụng đòn bẩy với các sản phẩm này và vai trò thẩm định thuộc về công ty chứng khoán”, ông Khánh đề xuất.
Cũng theo chuyên gia từ AAS, quy định nên đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm, phân loại trái phiếu để định danh nhóm và lãi suất cho từng hạng.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) còn yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành; ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2.
Theo ông Khánh, giải pháp này có thể áp dụng trong ngắn hạn, để chuẩn hóa thị trường, sau đó từng bước nới dần. “Thị trường trái phiếu cần sự minh bạch, chưa cần mở rộng quy mô ngay. Bên cạnh điều kiện phát hành, phần niêm yết cũng cần quy định rõ ràng, giao dịch trái phiếu giống như cổ phiếu có thể thua lỗ, không để lẫn lộn như hiện nay, repo trái phiếu (phát hành nợ mới để trả nợ cũ) nhưng lại giao dịch như mua bán”, ông Khánh lo ngại.
Về đề xuất tiêu chí tần suất giao dịch với nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích khách hàng cá nhân, Công ty CP Chứng khoán Yuanta - nhận định, điều này có thể tạo rào cản cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu. Theo đó, việc huy động vốn của doanh nghiệp thêm khó, trong bối cảnh thanh khoản thị trường này đang ở mức thấp sau những đổ vỡ xảy ra năm 2022.
Các nước khác quy định ra sao?
Các thị trường trong khu vực cũng không dùng tần suất giao dịch vào tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo ông Minh, tiêu chuẩn được các quốc gia khác áp dụng tập trung vào 3 yếu tố chính: Kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, giá trị tài sản ròng (NAV) và thu nhập hàng năm hay tài sản tài chính.
Tại Singapore, cá nhân là nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có giá trị tài sản ròng vượt quá 2 triệu SGD (38 tỷ đồng), hoặc có thu nhập hàng năm ít nhất 300.000 SGD (hơn 5,7 tỷ đồng), hoặc tài sản tài chính vượt 1 triệu SGD (khoảng 1,9 tỷ đồng). Tổ chức đạt điều kiện khi có tài sản ròng vượt 10 triệu SGD (tương đương 19 tỷ đồng), hoặc là tổ chức tài chính được cấp phép.
Với Malaysia, quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp với cá nhân phải có tổng tài sản cá nhân vượt 3 triệu MYR (khoảng 17,4 tỷ đồng) hoặc có thu nhập hàng năm không dưới 300.000 MYR (1,7 tỷ đồng). Nhà đầu tư tổ chức bao gồm các ngân hàng, quỹ đầu tư, và các công ty bảo hiểm có tài sản được quản lý vượt 10 triệu MYR (hơn 58,1 tỷ đồng)
Tại Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp theo hai loại chính, gồm: Tổ chức (các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, hoặc các tổ chức tài chính khác), và nhà đầu tư có thu nhập cao.
Cụ thể, cá nhân có tài sản ròng ít nhất 30 triệu THB (22,2 tỷ đồng), hoặc có thu nhập hàng năm ít nhất 3 triệu THB (2,2 tỷ đồng). Tiêu chí khác căn cứ trên khoản đầu tư vào chứng khoán và phái sinh ít nhất 8 triệu THB (5,9 tỷ đồng), hoặc 15 triệu THB (11,1 tỷ đồng) trong tài khoản.
Nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều thứ 2 trên thị trường (chiếm tỷ lệ 24%) chỉ sau các ngân hàng. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp lại là sản phẩm phức tạp, với các điều khoản, điều kiện thỏa thuận, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, không phù hợp với người đầu tư nhỏ lẻ.
Ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) - cho biết, các quy định liên quan tới nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay mới xác định trên tiêu chí tài sản và giao dịch, chưa yêu cầu về kinh nghiệm và kiến thức. Rất nhiều người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp mà là cá nhân nhỏ lẻ.
Theo ông Minh, quy mô trái phiếu đang lưu hành toàn thị trường đã đạt lại mốc đỉnh trong năm 2022. Giá trị trái phiếu phát hành mới cao hơn giá trị của năm 2021. Do đó, việc tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng là quan trọng, tuy nhiên không thể vì tốc độ tăng trưởng mà đánh đổi sự ổn định.