Mỏ vàng du lịch sáng tạo Việt Nam cần một cú hích lớn

Ở Việt Nam, du lịch sáng tạo đánh giá như mỏ vàng, nhưng phát triển còn manh mún, chưa khai thác được tính đặc trưng văn hóa vốn có của sản phẩm. Ở các điểm thực hành du lịch sáng tạo, nhà cung ứng dịch vụ du lịch thường đơn thuần chỉ bán sản phẩm, dịch vụ, chưa biết cách lôi cuốn, tạo nên sự hài lòng của khách hàng.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển du lịch sáng tạo ở Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực tiễn” tổ chức vào ngày 11/10/2024, tại Hà Nội, ThS. Lưu Thị Thu Thủy, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, du lịch sáng tạo là một loại hình của du lịch văn hóa và tập trung vào các từ khóa “trải nghiệm”, “tham gia”, “học hỏi”, ở đó du khách không chỉ dừng lại ở hoạt động chiêm ngưỡng, tham quan, ngắm nhìn mà còn trực tiếp tham gia, trải nghiệm.

Khi những loại hình du lịch truyền thống đang dần bị nhàm chán, mức độ cạnh tranh khốc liệt, du lịch sáng tạo được kỳ vọng tạo ra sức hút. Việt Nam giàu tài nguyên văn hóa với hơn 40.000 di sản/di tích, hội tụ sự đa dạng về văn hóa, lịch sử. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch sáng tạo.

Với du lịch sáng tạo, du khách không chỉ dừng lại ở hoạt động chiêm ngưỡng, ngắm nhìn mà trực tiếp tham gia, trải nghiệm.

Với du lịch sáng tạo, du khách không chỉ dừng lại ở hoạt động chiêm ngưỡng, ngắm nhìn mà trực tiếp tham gia, trải nghiệm.

Theo ThS. Lưu Thị Thu Thủy, hiện, ở Việt Nam hiện đã có một số mô hình du lịch sáng tạo. Ở Hội An có mô hình tour “Một ngày làm cư dân phố cổ”. Tại các hoạt động du lịch sáng tạo này, du khách sẽ có cơ hội sống với các gia đình nghệ nhân ở làng nghề, tham gia trồng rau, tập chèo thuyền, thả lưới.

Ở Huế, chúng ta có du lịch mưa Huế (thưởng thức trà cung đình, chơi và nghe ca nhạc về mưa, chế biến làm đồ lưu niệm trong lúc mưa…). Chúng ta cũng có nhiều mô hình dự án du lịch sáng tạo đã được thực thi như: “Rơm Đường Lâm”, “Gió Bạc Liêu”… Đây là những tín hiệu tốt.

Các mô hình du lịch để du khách trực tiếp tham gia trải nghiệm rất được ưa thích.

Các mô hình du lịch để du khách trực tiếp tham gia trải nghiệm rất được ưa thích.

Từ góc nhìn của Hà Nội, TS. Bùi Nhật Quỳnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng quan điểm khi chia sẻ, chỉ riêng Hà Nội, đây thực sự là một cái nôi của du lịch sáng tạo. Hà Nội có gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, kim hoàn Định Công, hương Quảng Phú Cầu, lụa Vạn Phúc… Ngoài ra, Hà Nội còn “sở hữu” nhiều nghệ nhân nổi tiếng như nghệ nhân sơn mài Đinh Văn Thành, vua men gốm Trần Độ…

Từ nguồn tài nguyên này, Hà Nội đã khai thác hiệu quả một số mô hình du lịch sáng tạo. Đến làng gốm Bát Tràng du khách có thể ngồi xe trâu tham quan mọi ngõ ngách trong làng, tham quan mua sắm tại khu chợ trung tâm, được “làm thợ gốm”. Tương tự, làng cổ Đường Lâm có sản phẩm “Mùa lúa chín” tạo ra sức thu hút với nhiều du khách. Tour du lịch “Mùa lúa chín” xây dựng những góc nhìn sáng tạo mới về cây lúa để đề xuất các hoạt động du lịch phù hợp và được kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu du lịch cho Đường Lâm.

Tour du lịch “Mùa lúa chín” ở Đường Lâm đã tạo được sức hút riêng.

Tour du lịch “Mùa lúa chín” ở Đường Lâm đã tạo được sức hút riêng.

Khẳng định Hà Nội chú trọng vào du lịch sang tạo và đã thành công ở một số mô hình, tuy nhiên, TS. Bùi Nhật Quỳnh, cũng thừa nhận rằng những sản phẩm du lịch này chỉ dừng ở mức trải nghiệm thông thường, buộc du khách phải vận động, thích nghi với hoàn cảnh mới và phần nào khám phá khả năng của bản thân. Các sản phẩm đều phát triển manh mún và tự phát nên chưa khai thác và thể hiện được tính đặc trưng văn hóa vốn có của sản phẩm.

Các mô hình du lịch sáng tạo ở Việt Nam vẫn ở mức thông thường như vận động và khám phá bản thân.

Các mô hình du lịch sáng tạo ở Việt Nam vẫn ở mức thông thường như vận động và khám phá bản thân.

Ngoài ra, hầu hết là các hộ gia đình làm du lịch tự phát, hoạt động tự do nên tính bền vững kém, gây bất ổn cho thị trường. Ở các điểm thực hành du lịch sáng tạo, nhà cung ứng dịch vụ du lịch chưa ý thức được vai trò tuyên truyền văn hóa, họ thường đơn thuần chỉ bán sản phẩm, dịch vụ, chưa biết cách lôi cuốn, tạo nên sự hài lòng của khách hàng…

Đồng quan điểm, ThS. Lê Anh Thư, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ, trên thế giới hiện nay, du lịch sáng tạo rất nở nộ. Ví dụ, tại Nhật Bản, du lịch sáng tạo đã bén rễ ở khắp các vùng nông thôn trên toàn quốc, nơi du khách có nhiều các sự lựa chọn trong kỳ nghỉ của mình, từ việc ở qua đêm tại đền thờ hoặc trang trại chuyên biệt, tham gia các buổi trà đạo truyền thống hay tìm hiểu về nghệ thuật và thủ công địa phương.

Cơ sở hạ tầng ở nông thông cần được đẩy mạnh để phục vụ du lịch sáng tạo.

Cơ sở hạ tầng ở nông thông cần được đẩy mạnh để phục vụ du lịch sáng tạo.

Ở Việt Nam, mặc dù có vị thế tốt để phát triển ngành du lịch sáng tạo, nhưng vẫn còn một số thách thức. Cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều trải nghiệm văn hóa quan trọng nhất, vẫn chưa được phát triển. Ngoài ra, ngành du lịch của Việt Nam vẫn chủ yếu hướng đến du lịch đại chúng, chú trọng hơn vào số lượng khách du lịch hằng năm.

Theo ThS. Lê Anh Thư, bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và tận dụng chuyên môn quốc tế, Việt Nam có thể xây dựng một khuôn khổ du lịch sáng tạo mạnh mẽ, mang đến những trải nghiệm độc đáo và bền vững cho khách du lịch. Hơn nữa, bằng cách tích hợp các nền tảng kỹ thuật số, Việt Nam có thể mở rộng các dịch vụ du lịch sáng tạo của mình sang các không gian ảo, thu hút khán giả quốc tế và quảng bá các sản phẩm văn hóa của mình trên toàn cầu.

Vẫn theo Th.S Lê Anh Thư, việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo về thiết kế của UNESCO vào năm 2019 là một cột mốc và bước tiến quan trọng trong việc Việt Nam phát triển tiềm năng du lịch sáng tạo của mình. Hà Nội có thể đóng vai trò bản lề mang tính thử nghiệm cho các thành phố khác của Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.

Để phát triển du lịch sáng tạo, cần xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh của từng địa phương.

Để phát triển du lịch sáng tạo, cần xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh của từng địa phương.

TS. Vũ Nam, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh và đặc trưng của từng địa phương. Ví dụ, miền Bắc với các làng nghề truyền thống và văn minh lúa nước có thể phát triển các sản phẩm du lịch mang tính văn hóa, tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách. Việc này không chỉ giúp nâng cao nhận thức và sự công nhận của khách hàng mà còn giúp điểm đến nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh, đồng thời giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ và nhận diện địa phương, từ đó thúc đẩy lượng khách đến tham quan và trải nghiệm các sản phẩm sáng tạo.

Sơn Hà

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/mo-vang-du-lich-sang-tao-viet-nam-can-mot-cu-hich-lon-c8a83836.html
Zalo