Mở thêm lối đi, tìm thị trường mới giúp đẩy xuất khẩu tăng cao

Bằng cách khai thác các thị trường ngách, mở rộng những thị trường chưa khai thác nhiều ở các nước Đông Nam Á lân cận hay vươn xa đến châu Phi và Nam Mỹ, một số doanh nghiệp đã tăng được đơn hàng sản xuất.

Sự chủ động dịch chuyển, mở rộng thị trường của doanh nghiệp cùng với việc duy trì những thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... đã đẩy xuất khẩu tăng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động và khó khăn.

Khu vực ASEAN đang đóng góp 15% thị phần xuất khẩu của Dony. Ảnh: L.H

Khu vực ASEAN đang đóng góp 15% thị phần xuất khẩu của Dony. Ảnh: L.H

Tăng trưởng nhờ mở lối đi

Để việc kinh doanh trong 10 tháng qua có mức tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh cố gắng duy trì khách hàng ở các thị trường truyền thống như Mỹ và Trung Đông, Công ty may mặc Dony còn khai thác các thị trường gần hơn.

CEO Phạm Quang Anh cho biết, các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore những năm trước chưa từng có trong danh sách thị trường của Dony, nhưng hiện bốn nước này đã đóng góp 15% thị phần xuất khẩu cho công ty.

Có được đơn hàng sản xuất với 7 khách hàng nhập khẩu của các quốc gia lân cận là sự nỗ lực mở thị trường mới của Dony trong hơn hai năm qua.

"Ngay khi ngành may mặc gặp khó ở các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản... vào 2 năm trước, chúng tôi nhanh chóng tìm cách mở thị trường mới để bù đắp", ông Quang Anh chia sẻ.

So với khách hàng ở Mỹ và EU đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản xuất, các thị trường ở ASEAN yêu cầu dễ hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn khoảng 3% và vận chuyển cũng thuận lợi hơn. Theo ông Quang Anh, Dony sẽ tiếp tục đẩy mạnh thị phần ở khu vực với gần 600 triệu dân này thời gian tới.

Tương tự, với ngành da giày, để có mức tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, Giày Gia Định cũng khai thác và mở thêm thị trường mới mà công ty từng chưa có mặt.

Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Chí Trung, bên cạnh các khách hàng truyền thống tại Mỹ, EU, doanh nghiệp đã mở rộng thêm khách hàng mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico…

“Trước những khó khăn ở các thị trường lớn truyền thống, chúng tôi đã có những thay đổi khi tập trung mở rộng các thị trường nhỏ, thị trường mới hoàn toàn. Đa dạng hóa các sản phẩm làm cho đơn hàng phong phú, ít lệ thuộc vào đơn hàng của khách hàng truyền thống trước đây”, ông Trung nói.

Với hướng đi này, từ đây công ty cũng có thêm những thị trường mới để khai thác và mở rộng tệp khách hàng vào thời gian tới, nhất là khu vực Nam Mỹ.

Sản xuất tại giày Gia Định. Ảnh: GĐ

Sản xuất tại giày Gia Định. Ảnh: GĐ

Không chỉ dệt may và da giày, thời gian qua khi gặp khó khăn ở các thị trường truyền trống, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ gỗ… cũng đã nhanh chóng khai thác những thị trường ngách; đẩy mạnh thị trường chưa phát triển ở Trung Đông, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada...

Từ đầu năm, một số doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất đã xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, trong đó có Ả Rập Saudi và Dubai.

Ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty Minh Thành, nhìn nhận trong giai đoạn khó khăn, thị trường ngách là chìa khóa giúp doanh nghiệp giữ được sự ổn định. “Dubai đang phát triển rất mạnh về xây dựng nhà ở, nếu khai thác tốt, đây có thể trở thành thị trường lớn cho ngành gỗ trong nước”, ông Phương nói.

Chủ động đa dạng thị trường

Xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay đạt kết quả khả quan. Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu 10 tháng đạt 352,38 tỉ đô la, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại đạt trên 23,3 tỉ đô la.

Để có sự chuyển biến tốt như trên, bên cạnh các thị trường truyền thống dần hồi phục thì việc chủ động dịch chuyển và khai thác thị trường mới, thị trường ngách của doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể.

Nhắc lại khó khăn hồi đầu năm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh, cho hay khi các doanh nghiệp đặt kỳ vọng xuất khẩu cao trở lại thì cuộc xung đột khu vực kênh đào Suez đã làm gián đoạn nhiều hàng hóa của Việt Nam đến châu Âu và Trung Đông.

Việc tăng chi phí và thời gian giao hàng khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro hàng hóa bị hỏng trước khi đến tay đối tác. Do vậy, việc dịch chuyển thị trường đã được doanh nghiệp khẩn trương tính toán.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chọn mở rộng thị phần tại hai thị trường tỉ dân là Trung Quốc và Ấn Độ. Dễ nhận thấy nhất là nhóm hàng nông, thủy hải sản liên tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường này.

Doanh nghiệp nội thất mở thị trường Ấn Độ, Dubai... Ảnh: L.H

Doanh nghiệp nội thất mở thị trường Ấn Độ, Dubai... Ảnh: L.H

Theo bà Lâm Mộng Thúy, Giám đốc Công ty Kokofi, sản phẩm của Việt Nam đã xuất qua các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… nên việc gia nhập thị trường Trung Quốc không khó.

Kinh nghiệm của Kokofi, để hàng Việt vào thị trường Trung Quốc và các nước, ngoài đạt chất lượng, xanh hóa sản xuất thì sản phẩm cần mang nét đặc trưng, bản sắc của Việt Nam. Sự tăng trưởng sản phẩm trà từ các loại thảo dược Việt như tía tô, kinh giới, hoa hòe… của Kokofi là một ví dụ.

Còn theo ông Cao Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty Kettle Interiors Asia, Ấn Độ được xác định là thị trường tiềm năng cho đồ nội thất của Việt Nam vì giá trị giao dịch mặt hàng này tăng cao trong hai năm qua.

"Với dân số hơn 1,4 tỉ người, ngành nội thất và thiết kế Ấn Độ đang bùng nổ nhờ thị trường bất động sản đang phát triển, mức thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa cao", ông Đồng nói.

Việc mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác đã phần nào gỡ khó những lo ngại về chuỗi logistics, khai thác dư địa thị trường rộng lớn và giao thương thuận lợi.

Ngoài ra, thị trường các nước hồi giáo hiện cũng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác. Đơn cử như Công ty Mekong Herbals chuyên chế biến các sản phẩm từ trái cây, rau củ quả xuất đến thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU... hơn 15 năm qua.

Vài năm nay, Mekong Herbals chuyển hướng sang thị trường các nước Hồi giáo với sản phẩm đạt chứng nhận Halal và hiện đã đạt mức 40 - 45% sản phẩm xuất vào thị trường này. Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều thị trường khác đang gặp khó khăn, nhưng lượng xuất khẩu của Mekong Herbals vào thị trường Halal vẫn duy trì ổn định.

"Thế giới có khoảng 1,8 tỉ người Hồi giáo, tạo ra một thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp tiếp cận", Giám đốc Kinh doanh Mekong Herbals Lê Thị Phượng, nhận định.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty Liên kết thương mại toàn cầu, chia sẻ từ đầu năm nay, công ty liên tục ký được các đơn hàng cung ứng sản phẩm cà phê chế biến cho thị trường Trung Đông và thị trường Halal.

"Sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam tiêu thụ tăng cao hai năm qua. Cùng với chiến lược mở rộng thị phần đi kèm với thương hiệu Việt, sản phẩm Việt ngày càng có vị thế tốt hơn ở khu vực này", ông nói.

Xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay đạt kết quả khả quan và xuất siêu sang một số thị trường chủ lực như Mỹ, EU... Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu hiện tại và năm tới được nhận định vẫn đối diện nhiều rủi ro, khó đoán định và hàng rào kỹ thuật các nước nhập khẩu ngày càng cao được cho là sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như thị trường lớn Mỹ, tân Tổng thống Donald Trump sẽ áp đặt các mức thuế quan mạnh mẽ có thể khiến các ngành xuất khẩu như thủy sản, may mặc, giày dép, đồ gỗ... phải đối mặt với khó khăn khi nhu cầu thị trường này giảm vì hàng hóa nhập đắt đỏ.

Còn thị trường EU, một loạt quy định về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, giảm thiểu phát thải carbon với sản phẩm làm ra… đã và sẽ được thực thi thời gian tới. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất của Việt Nam.

Do vậy, để duy trì gam màu sáng trong bức tranh xuất khẩu, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng tiềm năng của thị trường mà Việt Nam đã ký kết 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cùng với đó là khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng dư địa cho xuất khẩu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ..., cũng như sử dụng sản phẩm ngách để tạo lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội cho xuất khẩu bền vững hơn.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mo-them-loi-di-tim-thi-truong-moi-giup-day-xuat-khau-tang-cao/
Zalo