Mỏ than lộ thiên Việt Nam sâu lớn nhất Đông Nam Á: Sâu 300m, xe nặng chục tấn mới đi xuống được

Việt Nam sở hữu một mỏ than lộ thiên được khai thác ở độ sâu tới 300m, có tuổi đời đến hơn 60 tuổi.

Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT) tại Quảng Ninh được người Pháp thành lập vào năm 1888 sau khi xâm chiếm khu mỏ và vùng mỏ Cẩm Phả được xem là một khai trường lớn. Đáng nói, mỏ Cọc Sáu chính là khai trường thủ công lớn nhất thời đó. Công nhân ở mỏ Cọc Sáu đã vùng lên đấu tranh quyết liệt trước sự áp bức của chủ mỏ Pháp. Cho đến năm 1955, người Việt tiếp quản khu mỏ và lúc đó mỏ than Cọc Sáu là một công trường khai thác thủ công của Xí nghiệp Than Cẩm Phả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, sau 60 năm, mỏ than lộ thiên Cọc Sáu là một trong những mỏ than lâu đời và xuống sâu nhất của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Thậm chí, đây còn được xem là mỏ than lộ thiên sâu nhất của Đông Nam Á hiện vẫn đang được khai thác.

Tuy không rộng như các mỏ than lộ thiên khác nhưng mỏ than Cọc Sáu có đặc điểm là sâu hun hút với cung đường lên xuống xoáy trôn ốc dài, tạo ra cảnh tượng ngoạn mục. Chính vì có những đoạn cua gấp khúc, dựng đứng, sâu thăm thẳm, chỉ có những loại xe siêu trọng nặng hàng chục tấn, lốp cao chừng 2m mới có khả năng lên xuống mỏ than này.

Từng là một trong những "cánh chim đầu đàn" trong khai thác lộ thiên với năng suất cao ở trong những thập kỷ trước. Tuy nhiên, việc khai thác mỏ than này càng ngày càng khó khăn vì phải xuống sâu hơn dưới lòng đất.

Mỏ này đã khai thác xuống độ sâu chừng -135 m so với mực nước biển kể từ năm 2013. Đến 2019-2020, độ sâu đã đạt trên -280m, gần chạm mốc khai thác cho chép.

Hiện tại, CTCP than Cọc Sáu khai thác than ở độ sâu -300m. Với con số này, những mỏ lộ thiên như Cọc Sáu không còn nhiều trên thế giới.

Với hơn 60 năm khai thác, mỏ Cọc Sáu nay đã càng xuống sâu, diện khai thác bị hẹp lại với tài nguyên giảm đáng kể. Hiện trạng này yêu cầu việc khai thác ngày càng phải đầu tư và sáng tạo hơn.

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng lớn đến việc khai thác mỏ lộ thiên. Việc mưa lớn kéo dài khiến đáy moong ngập trắng nước, không có đường xuống. Các kỹ sư phải huy động hệ thống máy bơm để bơm cưỡng bức tiêu thoát nước đồng thời tính toán các vị trí hợp lý để trung chuyển bùn, tạo ra những hố chứa bùn trung gian, vận chuyển bùn.

Bất chấp nhiều khó khăn, than Cọc Sáu vẫn có thể phát huy sức mạnh nội lực khi hiện tại đã có thể xuống sâu tiệm cận mức -300m như câu nói của công nhân nơi đây: “Còn than, Cọc Sáu còn xuống sâu..."

Theo Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/mo-than-lo-thien-viet-nam-sau-lon-nhat-dong-nam-a-sau-300m-xe-nang-chuc-tan-moi-di-xuong-duoc/20241021111107243
Zalo