Mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngày 18-12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm 'Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài'.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại tọa đàm

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại tọa đàm

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Bá Hoan phân tích, một trong những thành công dễ nhận thấy nhất là đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với công việc trong nước, góp phần tích lũy, cải thiện đời sống của bản thân và gia đình. Người lao động còn được nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc, trình độ ngoại ngữ.

Do đó, bên cạnh những thị trường truyền thống đang ổn định, Bộ LĐTB-XH tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu như: Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Ba Lan, Nga, CH Czech, Phần Lan...

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cũng thông tin, cả nước có hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Gửi về khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm.

Tuy nhiên, vấn đề nâng cao chất lượng lao động Việt Nam khi ra nước ngoài cũng đang đặt ra những thách thức. Đó là trình độ lao động, khả năng thích ứng với môi trường làm việc quốc tế, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chuyên môn và tính kỷ luật. Lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là làm công việc lao động phổ thông như: xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, gia công công nghiệp, chăm sóc người già, trẻ em.

 Đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

Đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

Tại tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Long An chia sẻ, năm 2020, Long An chỉ đưa được khoảng 500 lao động ra nước ngoài làm việc, năm 2023 khoảng 800 lao động thì 11 tháng của năm 2024, Long An đã đưa được gần 1.200 lao động ra nước ngoài làm việc, chủ yếu là Nhật Bản.

“Khi trở về nước, nguồn lực này chính là nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Đại Tánh cho biết.

 Quang cảnh tọa đàm

Quang cảnh tọa đàm

Còn theo ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2, để phát huy hiệu quả công tác đưa người lao động đi nước ngoài làm việc cần nâng cao chất lượng đào tạo; đào tạo phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp cũng như có chính sách hỗ trợ vốn vay cho lao động học tập, bởi đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao thì chi phí cao.

 Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group, cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho người lao động không chỉ đi làm việc ở nước ngoài mà đi là để trở về; đi là để nâng cao năng lực, phát triển nghề nghiệp bản thân, cải thiện đời sống của gia đình và đóng góp cho xã hội.

 Vinh danh các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động xuất khẩu lao động

Vinh danh các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động xuất khẩu lao động

HỒNG HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mo-rong-thi-truong-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post773662.html
Zalo