Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Bộ luật đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thêm 9 tội danh thuộc 4 chương so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, đối với 2 tội thuộc Chương các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người gồm Tội mua bán người (Điều 133) và Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 134), theo Bộ Công an, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 2 tội nhằm nội luật hóa các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam là thành viên của Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư này bổ sung Công ước về phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia). Việc nội luật hóa các quy định của Công ước và Nghị định thư là trách nhiệm của các quốc gia thành viên.

Theo quy định tại Điều 10 Công ước về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các quốc gia sẽ ban hành các nguyên tắc pháp lý để quy định trách nhiệm pháp lý (hình sự, dân sự hoặc hành chính) của pháp nhân trong thực hiện các tội phạm nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tiếp tục bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội phạm liên quan đến mua bán người để tiếp tục thực hiện cam kết nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Bên cạnh đó, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 2 tội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian vừa qua. Trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn mới nổi lên là sử dụng mạng xã hội để tuyển mộ người lao động với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”, sau đó, đưa người ra nước ngoài (sang Campuchia, Lào, Myanmar…) làm việc cho các công ty trong các đặc khu do người Trung Quốc quản lý để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cưỡng bức lao động…

Các đối tượng thường sử dụng các pháp nhân để tuyển dụng lao động, đưa người sang các quốc gia khác; thậm chí, có tình trạng chuyển giao người giữa các pháp nhân hoạt động trong các đặc khu của nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân đối với 2 tội danh về mua bán người, chưa quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình hiện nay. Do đó, việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với loại tội phạm này.

Đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 157) thuộc Chương các tội phạm xâm phạm sở hữu, theo Bộ Công an, tình hình tội phạm lợi dụng tư cách pháp nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gây thiệt hại rất lớn đến các nhà đầu tư và rất nhiều người bị thiệt hại, có thể kể đến như: Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh lừa đảo 8.600 tỷ đồng với trên 6.600 bị hại; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC… Các vụ việc này gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với xã hội. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nên trong thực tiễn chưa thể xử lý pháp nhân thương mại mà chỉ có thể xử lý đối với các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội trong các pháp nhân này. Do đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần thiết phải bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với 5 tội thuộc Chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (gồm Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 190); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc giấy tờ có giá giả (Điều 191); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 195); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 197); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 198) và 1 tội thuộc Chương các tội phạm về môi trường (Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại), khi xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị) quyết định chỉ quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội phạm về kinh tế, môi trường và 2 tội (rửa tiền, tài trợ khủng bố).

Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu để quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội phạm về kinh tế, môi trường là tiếp tục thực hiện chủ trương đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trong điều kiện hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã có chủ trương giao các cơ quan nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và tiếp tục rà soát để sửa đổi các luật có liên quan như Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp…

Các định hướng này có thể sẽ mở rộng quyền cho các doanh nghiệp, đồng thời, theo mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp do tập thể thông qua (hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hoặc đại hội cổ đông). Chính vì vậy, cùng với việc mở rộng quyền và có các cơ chế thông thoáng hơn đối với doanh nghiệp tư nhân thì cũng cần có giải pháp để xử lý đối với các doanh nghiệp tư nhân lợi dụng các chính sách của nhà nước để thực hiện hành vi trái pháp luật; phòng ngừa trường hợp cá nhân lợi dụng danh nghĩa tập thể để thực hiện hành vi phạm tội nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Thực tiễn cho thấy có một số khoảng trống trong việc xử lý vi phạm của pháp nhân đối với các tội phạm về tiền giả, chứng khoán, gian lận bảo hiểm, vi phạm quy định về chất thải nguy hại thể hiện ở chỗ đối với cá nhân có hành vi vi phạm này thì bị xử lý hình sự, trong khi đó nếu pháp nhân cũng thực hiện các hành vi này thậm chí là ở quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn thì không xử lý được kể cả hình sự lẫn hành chính. Do đó, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 5 tội thuộc Chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 1 tội thuộc Chương các tội phạm về môi trường là để khắc phục những bất cập của thực tiễn.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đánh giá của APG tại Mục 39 trang 131 MER4 và báo cáo đánh giá rà soát của Joint group, một số hành vi (như tham nhũng, buôn bán ma túy hoặc vũ khí, hầu hết các hình thức gian lận…) do các pháp nhân thương mại thực hiện hoặc các hành vi phạm tội khác do các pháp nhân phi thương mại thực hiện không phải chịu trách nhiệm hình sự và do đó không có tội phạm nguồn đối với mục đích rửa tiền. Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tiếp tục quy định trong Bộ luật Hình sự và sửa đổi, bổ sung các quy định về chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo hướng mở rộng phạm vi các tội danh mà pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhất là đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thong-tin-phap-luat/mo-rong-pham-vi-chiu-trach-nhiem-hinh-su-cua-phap-nhan-thuong-mai-i766511/
Zalo