Mở rộng nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Nguồn vốn tín dụng hỗ trợ từ ngân hàng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ giúp cho nông dân thoát nghèo, đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Để thúc đẩy hơn nữa tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tập trung đơn giản hóa thủ tục vay vốn đối với khách hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm cho vay đúng mục đích, an toàn và hiệu quả, góp phần thúc đẩy tín dụng khu vực nông thôn tăng trưởng.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cho khách hàng là hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp sạch, làm kinh tế trang trại, kinh tế hộ. Đến thời điểm này, tổng dư nợ tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó các tổ chức tín dụng đã bám sát vào Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho khách hàng vay cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Nhiều khách hàng vay vốn đầu tư nuôi bò sữa, bò thịt, nuôi lợn, gia cầm,... với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng. Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Nam đã giải ngân vốn tới 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Đến hết tháng 12/2024, tổng dư nợ trên địa bàn đạt hơn 3.529 tỷ đồng, tăng 328 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nguồn vốn đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kinh tế hộ. Trong tổng dư nợ trên, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm đạt hơn 2.640 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71,38% tổng dư nợ; dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống sinh hoạt đạt hơn 888 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 28% tổng dư nợ.
Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam cho biết: Để giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với các đối tượng được thụ hưởng theo các chương trình tín dụng, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của hệ thống, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt nhu cầu về vốn vay đối với bà con. Đồng thời, chỉ đạo các phòng giao dịch ngân hàng CSXH cấp huyện phối hợp với các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền tới tất cả các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn, tập trung hướng dẫn bà con, những hộ gia đình thuộc diện được thụ hưởng nguồn vốn làm thủ tục vay vốn. Thông qua các TK&VV, nhiều hộ gia đình đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng CSXH đầu tư phát triển kinh tế hộ, cải tạo nâng cấp nhà cửa; chăn nuôi, trồng trọt... giúp cải thiện kinh tế gia đình, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn tín dụng đang đầu tư cho khách hàng vay đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng. Điển hình như hệ thống các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh đang giải ngân cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn vay gần 20 nghìn tỷ đồng. Nguồn tín dụng đầu tư ở khu vực nông thôn đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi các ngân hàng đưa ra những sản phẩm chuyên biệt phù hợp nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Các tổ chức tín dụng đã xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp người nông dân và đặc thù sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề phụ; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cung ứng các sản phẩm tiện ích ứng dụng công nghệ mới phù hợp nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn.
Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam cho biết: Tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chi nhánh Agribank Hà Nam đã tập trung đầu tư cho khách hàng là hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp sạch, làm kinh tế trang trại. Đến thời điểm này, tổng dư nợ tín dụng của chi nhánh đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng; trong đó, hơn 80% nguồn vốn đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chi nhánh cũng đã giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho khách hàng vay cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nhiều khách hàng ở thị xã Duy Tiên, Kim Bảng vay vốn đầu tư nuôi bò sữa, bò thịt, nuôi lợn, gia cầm,... với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng. Năm 2025, Chi nhánh Agribank Hà Nam tiếp tục rà soát từng khách hàng, bám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, của hộ gia đình, kịp thời giải ngân vốn cho vay theo kế hoạch.
Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay doanh nghiệp nông nghiệp; đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến địa bàn nông thôn như bảo lãnh vay vốn, mở thư tín dụng, nhờ thu,… nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, gắn kết người nông dân với doanh nghiệp và ngân hàng. Ngành ngân hàng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn, từ đó có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp; kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do thiên tai, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất...