Mở rộng không gian vốn cho DNNVV

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện cho DNNVV là điều vô cùng cần thiết. Bởi DNNVV chiếm đến 98% khu vực kinh tế tư nhân, trong khi khu vực này hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 82% tổng số lao động đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Nhiều chính sách tín dụng ưu đãi dành cho DNNVV

Khi các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, minh bạch và đa dạng, họ sẽ có thêm động lực để đầu tư vào đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội. Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển hệ sinh thái nhằm nâng cao tiếp cận toàn diện cho DNNVV tại Việt Nam diễn ra vừa qua, ông Trần Anh Quý, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng theo chỉ đạo của NHNN. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên thường thấp hơn từ 1-2%/năm so với các lĩnh vực thông thường (hiện là 4,0%/năm). Không chỉ vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn là đối tượng thụ hưởng nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo ngành/lĩnh vực kinh tế. Hiện NHNN cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV.

Các tổ chức tín dụng cũng rất chủ động tiếp cận DNNVV, triển khai đa dạng các loại sản phẩm, phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng như bảo lãnh, tài trợ thương mại, miễn phí dịch vụ thanh toán điện tử, phát triển các ứng dụng ngân hàng dành riêng cho DNNVV… Quy trình thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp ngày càng được giản lược, phù hợp điều kiện thực tế. Nhiều tổ chức tín dụng đã thành lập riêng bộ phận chuyên quản lý về hoạt động cho vay vốn đối với DNNVV; đồng thời cho phép áp dụng đa dạng, linh hoạt các biện pháp về tài sản bảo đảm; thậm chí còn hỗ trợ DNNVV xây dựng các phương án kinh doanh liên kết với khách hàng, tham gia chuỗi liên kết nhà cung ứng, tiêu thụ hàng hóa... Với nhiều giải pháp quyết liệt nêu trên, tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng dành cho doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng đạt gần 7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14,7% so với năm 2023 và chiếm 44% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa (chiếm tới 98%) nên khả năng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn hạn chế. Trong đó có những nguyên nhân trực tiếp như: phần lớn DNNVV có quy mô siêu nhỏ vốn ít, manh mún, tốc độ chuyển dịch quy mô chậm nên khả năng huy động vốn hạn chế; hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới để tăng năng suất lao động; việc tiếp cận thông tin cũng như khả năng nắm bắt cơ hội thị trường còn hạn chế. Nhiều DNNVV thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, chưa minh bạch về tài chính, chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ. Các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp…

Các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp

Các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp

Tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp

Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, nhu cầu vốn của DNNVV hiện chưa được đáp ứng đủ là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì 55% nhu cầu vốn của DNNVV trên thế giới chưa được đáp ứng. Khả năng cung ứng vốn cho DNNVV còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, các nước phát triển càng cao thì khả năng đáp ứng vốn cho DNNVV càng cao. Ngược lại, những nước kém phát triển thì nhu cầu vốn cho DNNVV càng khó đáp ứng. So sánh với nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, khả năng cung ứng vốn cho DNNVV tăng ở mức khá.

Từ những khó khăn trong tiếp cận vốn của DNNVV, ông Lực cho rằng, Nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành cơ chế thử nghiệm cho Fintech, xem xét thành lập sàn giao dịch vốn riêng cho các DNNVV; sớm thành lập thị trường mua - bán nợ; các quy định, chính sách hoạt động cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nhất là các tổ chức cho thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng… bao gồm cả thuế, phí, xử lý rủi ro.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, ông Lực cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; quyết tâm chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phấn đấu niêm yết và phát hành cổ phiếu; Đặc biệt là phải tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tài chính kế toán, nâng cao trình độ quản trị…

Ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Trưởng nhóm Phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế tài chính, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFC nhận định, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cung ứng vốn cho DNNVV nhanh, hiệu quả. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh cung ứng vốn cho DNNVV thông qua các nền tảng số; sử dụng các dịch vụ phân tích dữ liệu trong quá trình thẩm định dự án, ra quyết định cho vay; tận dụng lợi thế của các thành viên trọng hệ sinh thái tài chính để đa dạng hóa các lĩnh vực cho vay hoặc phát triển các sản phẩm tài chính…

Ở góc độ cơ quan quản lý, để tăng khả năng cung ứng vốn cho doanh nghiệp, đại diện NHNN cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; công khai minh, bạch lãi suất cho vay tại ngân hàng…

Song song với đó, NHNN tiếp tục đổi mới các biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, đặc biệt việc sớm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cung cấp nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của DNNVV. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ chế và chính sách cho hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn. Đặc biệt, NHNN đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 116/2018/NĐ-CP) theo hướng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hơn, bổ sung các đối tượng doanh nghiệp kinh doanh trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

Khánh Tiên

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mo-rong-khong-gian-von-cho-dnnvv-161970.html
Zalo