Mở rộng không gian sáng tạo cho nhà khoa học

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có hành lang pháp lý đầy đủ để chấp nhận rủi ro, độ trễ của hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp các nhà khoa học mở rộng không gian sáng tạo. Bên cạnh đó, cần bỏ tư tưởng không quản được thì cấm, cho phép thí điểm cơ chế đặc thù với mô hình, sản phẩm công nghệ mới.

Máy bay không người lái (UAV) do đội ngũ nhà khoa học của Viettel chế tạo, sản xuất được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024. Ảnh: VHT

Máy bay không người lái (UAV) do đội ngũ nhà khoa học của Viettel chế tạo, sản xuất được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024. Ảnh: VHT

Bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu

Theo các nhà khoa học, pháp luật Việt Nam hiện chưa có đầy đủ các quy định liên quan đến vấn đề chấp nhận rủi ro, độ trễ trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Điều này cản trở rất lớn không gian sáng tạo của các nhà khoa học.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, quá trình nghiên cứu các sản phẩm công nghệ mới hay các mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học công nghệ thường có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.

Vì vậy, ông cho rằng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đề cập một chủ trương rất đột phá là “có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra.

Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới.

“Chúng tôi cho rằng, kết quả sau mỗi lần nghiên cứu, dù thành công hay thất bại, đều mang lại những bài học quý báu để chúng ta mau chóng đạt được thành công trong tương lai. Việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính”, ông Thắng nêu và kiến nghị, cần sớm xây dựng cơ chế thí điểm, chính sách miễn trừ để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới cũng như sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, năm 2015, liên bộ gồm Bộ Khoa học và Công nghệ -Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 27 cho phép khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Đây là một quy định tiệm cận thông lệ quốc tế, cởi trói cho nút thắt tài chính trong nghiên cứu.

Tuy nhiên, thực tế các nhà khoa học không dám lựa chọn khoán chi đến sản phẩm cuối cùng bởi hoạt động nghiên cứu là hoạt động sáng tạo, đi tìm cái mới, cái chưa có, không thể chắc chắn thành công, đi đến sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, các nhà khoa học rất e ngại và không dám lựa chọn khoán chi.

Bà Diệp cho biết, trong dự thảo Luật khoa học và công nghệ sửa đổi đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến, sẽ bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu để cởi trói cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam sẽ cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới với nguyên tắc chấp nhận rủi ro.

“Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ không cấm mà cho phép thử nghiệm có kiểm soát. Những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo”, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng cho biết.

Ưu tiên sản phẩm Make in Việt Nam

Các nhà khoa học cho rằng, cùng với việc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong nước.

Theo ông Tào Đức Thắng, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã nghiên cứu, phát triển được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà cung cấp lớn trên thế giới. Tuy nhiên giá thành chưa thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô, và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu công nghệ, sản phẩm mới.

“Vì vậy, Nhà nước cần sớm ban hành các qui định cụ thể để khuyến khích mua sắm, ưu tiên sử dụng đối với các sản phẩm công nghệ cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất”, ông Thắng đề xuất.

Người đứng đầu Viettel cho rằng, Việt Nam cần tập trung nguồn lực cho các ngành công nghệ trọng điểm và chiến lược. Để làm được điều đó, cần triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Theo ông Thắng, Nghị quyết 57 đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược.

Vì vậy, Viettel kiến nghị Nhà nước sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ này để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu cho rằng, việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam nên theo các hướng tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, chú trọng ưu tiên phát triển chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng cao cũng như phát triển tài nguyên tái tạo và công nghệ chế biến sâu đi kèm.

Cởi trói cho nghiên cứu ứng dụng

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam đề xuất cởi trói cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam. Ông chia sẻ thực tế, ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm có gần 350ha đất, Viện lúa ĐBSCL có gần 400ha đất. Một ha hiện nay chỉ tạo ra hiệu quả kinh tế khoảng 40-50 triệu đồng. Nếu đất đai này liên doanh liên kết với doanh nghiệp có thể mang lại lợi nhuận rất cao, lên tới vài tỷ đồng/ha. Dòng tiền từ hoạt động này có thể quay lại để trả lương cho nhà khoa học và tái đầu tư nghiên cứu. GS Long nói, nhà khoa học không xin nhà nước tăng lương mà xin cơ chế. Nếu cơ chế này được thực hiện sẽ có lợi cho cả nhà nước và hoạt động nghiên cứu.

“Nếu đi vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế thì không chỉ 60 tỷ USD mà có thể tới 600 tỷ USD”, nhà khoa học nêu thực tế và cho rằng, để phát triển nông nghiệp thì nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phải là vấn đề được ưu tiên đầu tiên.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mo-rong-khong-gian-sang-tao-cho-nha-khoa-hoc-post1710115.tpo
Zalo