Mở rộng không gian phát triển kinh tế sau sáp nhập Tây Ninh và Long An
Đơn vị mới từ việc sáp nhập Tây Ninh và Long An tạo ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế, tận dụng tiềm năng chiến lược, công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ.
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An khóa XI (ngày 24-4) đã thống nhất dự thảo đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh Long An với tỉnh Tây Ninh, hình thành tỉnh mới mang tên Tây Ninh.
Trước đó, ngày 7-4, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP và Trung ương Đảng đưa ra các kết luận, nghị quyết quan trọng về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, đánh dấu một mốc son quan trọng khi tỉnh Tây Ninh và Long An chính thức trình đề án hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới – tỉnh Tây Ninh.
Đây không chỉ là sự điều chỉnh về địa giới hành chính và tổ chức bộ máy, mà còn mở ra cơ hội lớn cho chiến lược khai thác tối đa tiềm năng phát triển, làm dày thêm bức tranh kinh tế của hai địa phương từng nổi bật trong sự nghiệp phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Một góc chợ Long Hoa nằm ở thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Vị trí chiến lược – Động lực mới của vùng kinh tế phía Nam
Tây Ninh và Long An có mối liên kết chặt chẽ về lịch sử và địa lý khi cả hai từng là một phần của phủ Gia Định.
Với hạ tầng đồng bộ và cơ cấu kinh tế phát triển, việc hợp nhất hai tỉnh này không chỉ khai thác tối đa những lợi thế sẵn có mà còn tạo ra một không gian phát triển liên kết, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy kết nối vùng mạnh mẽ hơn.
Long An là cầu nối giữa miền Tây và miền Đông, với hơn 40 khu công nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Cùng với thế mạnh nông nghiệp từ hệ sinh thái đồng bằng phù sa, Long An có tiềm năng phát triển vượt trội.
Tây Ninh nổi bật với tiềm năng du lịch phong phú, sở hữu các công trình mang tầm quốc tế như Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, hệ thống sông Vàm Cỏ Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của du lịch sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao.

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn nằm ở độ cao 986m trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh), có chiều cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ. Ảnh NGUYỄN TIẾN
Cả Tây Ninh và Long An đều có vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp TP.HCM và biên giới Campuchia, tạo ra một không gian rộng hơn 8.500 km² với dân số hơn 3,3 triệu người, hoàn toàn đáp ứng và vượt qua các tiêu chuẩn về diện tích, dân số của một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Cầu Tây Long sắp hoàn thành, kết nối Tây Ninh và Long An. Ảnh NGUYỄN TIẾN
Tỉnh Tây Ninh mới sẽ có 20 xã biên giới, cùng các cửa khẩu quốc tế trọng yếu như Mộc Bài (Tây Ninh) và Bình Hiệp (Long An), hình thành một hành lang biên mậu xuyên suốt, đóng vai trò là "cửa ngõ giao thương" giữa Việt Nam và Campuchia.
Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các mô hình kinh tế cửa khẩu, logistics xuyên biên giới, xuất nhập khẩu và du lịch quốc tế.
Khơi thông dòng chảy đầu tư và liên kết vùng
Long An nổi bật với các khu công nghiệp hiện đại tại Đức Hòa, Bến Lức, Tân An, nhờ vị trí tiếp giáp TP.HCM. Tây Ninh nổi bật với các khu công nghiệp tại Trảng Bàng, Gò Dầu cùng hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đang được đẩy nhanh tiến độ.

Các khu công nghiệp lớn trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An Ảnh: Huỳnh Du
Việc hợp nhất giúp xóa bỏ những rào cản hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển công nghiệp quy mô lớn, kết nối chuỗi giá trị sản xuất – logistics liên tỉnh.

Khu công nghiệp Thành Thành Công - Trảng Bàng, Tây Ninh, nằm trên tuyến đường kết nối cầu Tây Long, tạo mối liên kết logistics giữa Tây Ninh và Long An. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng quỹ đất, kết nối hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao mà không bị giới hạn bởi ranh giới địa phương.
Hệ thống giao thông trọng điểm như ĐT 822, ĐT 823, ĐT 825 (kết nối Tây Ninh và Long An), cùng các tuyến quốc lộ và cao tốc đã và đang mở ra không gian phát triển xuyên suốt, đảm bảo lưu thông hàng hóa và di chuyển nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư.
Địa phương mạnh – Tỉnh mới mạnh hơn
Đề án hợp nhất nhấn mạnh sự tương đồng về cấu trúc kinh tế và điều kiện tự nhiên của Long An và Tây Ninh.
Cả hai tỉnh đều tập trung phát triển ba trụ cột chính: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, và du lịch sinh thái – văn hóa – tâm linh.
Long An là vùng đất chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và ĐBSCL, là nơi sản xuất lúa, trái cây và phát triển khu công nghiệp. Tây Ninh nổi bật với tiềm năng du lịch từ Núi Bà Đen, hệ thống cáp treo, tượng Phật lớn nhất châu Á và các di tích lịch sử văn hóa.
Khi hợp nhất, hai địa phương sẽ phân vùng phát triển rõ ràng: Long An sẽ là động lực công nghiệp – logistics, còn Tây Ninh sẽ trở thành trung tâm du lịch – thương mại biên giới. Phân bổ chức năng hợp lý giúp tối ưu hóa nguồn lực, tránh dàn trải và chồng chéo trong quy hoạch và đầu tư.
Tổ chức lại bộ máy, tinh gọn hiệu quả
Tỉnh mới sẽ hoạt động theo mô hình chính quyền hai cấp, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hành chính và tăng cường hiệu quả quản lý.
Trung tâm hành chính đặt tại TP Tân An – Long An, nhưng có cơ chế linh hoạt để cán bộ, công chức làm việc tại TP Tây Ninh, đảm bảo sự ổn định trong công tác quản lý và phục vụ nhân dân.

Thành phố Tân An là nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh Tây Ninh mới. Ảnh: HUỲNH DU.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các dịch vụ công trực tuyến và nền tảng điều hành thông minh sẽ thay đổi phương thức vận hành của chính quyền, tạo ra một cơ chế linh hoạt, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Kết nối tiểu vùng – Hướng tới vùng liên tỉnh bền vững
Hợp nhất Long An và Tây Ninh là bước đi chiến lược quan trọng để hình thành các "vùng liên tỉnh", góp phần khắc phục sự manh mún trong các đơn vị hành chính. Với diện tích lớn, dân số đông và vị trí gần TP.HCM, tỉnh Tây Ninh mới sẽ là cực tăng trưởng mới, đối trọng và hỗ trợ cho đô thị trung tâm, giúp giảm tải áp lực dân số, đất đai và giao thông cho TP.HCM.
Việc hình thành một không gian phát triển lớn, liên thông và đồng bộ sẽ là cơ hội để quy hoạch vùng được tổ chức lại hợp lý, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và phát triển liên kết kinh tế xuyên địa phương.