Mở rộng không gian giao thông công cộng

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) dài gần 20 km, kết nối khu trung tâm với phía đông Thành phố Hồ Chí Minh vừa chính thức vận hành, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông. Ðây cũng là dấu mốc quan trọng, khởi đầu kế hoạch đầu tư bảy tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 355 km, giai đoạn từ nay đến năm 2035 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên thu hút đông đảo hành khách là sinh viên, nhân viên văn phòng. (Ảnh THẾ ANH)

Tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên thu hút đông đảo hành khách là sinh viên, nhân viên văn phòng. (Ảnh THẾ ANH)

Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ ưu tiên, phát triển mạnh và đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị, theo mô hình giao thông công cộng (TOD), bám theo các trục giao thông cửa ngõ, nhằm xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, bền vững.

Thay đổi thói quen sang sử dụng Metro

Từ ngày 22/12/2024, thời điểm tuyến Metro số 1 chính thức đi vào khai thác thương mại, không khi nào các đoàn tàu điện vắng khách. Với thời gian khoảng 30 phút cho cả hành trình từ ga trung tâm Bến Thành đến ga cuối cùng Suối Tiên, trong đó có ba ga ngầm, từng đoàn tàu bắt đầu lăn bánh từ 5 giờ đến 22 giờ 30 phút hằng ngày.

6 giờ 45 phút, anh Tuấn Minh, kỹ thuật viên bộ phận điều độ tại một công ty của Nhật Bản đóng tại Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Ðức bước vào ga Tân Cảng rồi lên tuyến Metro số 1. Nhà ga chỉ cách căn hộ chung cư nơi anh ở khoảng 10 phút đi bộ.

"Tôi mạnh dạn chuyển hẳn sang đi Metro gần một tuần nay thay cho xe máy để đến chỗ làm vì tránh được nắng, mưa, ùn tắc vào giờ cao điểm. Nếu đi vé tháng, tôi chỉ mất 300 nghìn đồng/tháng cộng với giá vé hợp lý cho chuyến xe buýt điện từ ga đến Khu Công nghệ cao, việc đi làm là khá thuận lợi", anh Minh chia sẻ.

Ngày thứ bảy, ông Nguyễn Trường Giang, 80 tuổi sống tại Quận 6, được con trai thu xếp đi cùng đến ga Bến Thành để khám phá tuyến Metro đầu tiên của thành phố. "Qua cửa sổ trên tàu, quang cảnh thành phố thật đã mắt. Gần 50 năm sống ở thành phố giờ mới có cơ hội đi tàu Metro mà lâu nay chỉ được xem trên truyền hình. Nhân viên hướng dẫn niềm nở, tàu chạy êm, đúng lịch trình, bố trí thời gian cho hành khách lên xuống các ga thong thả, phù hợp", ông Giang nói.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết: Ðể người dân thành phố thuận tiện và dễ dàng tiếp cận tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), Sở đã phối hợp Trung tâm quản lý giao thông công cộng chủ động đầu tư, khai thác và vận hành các phương tiện công cộng, hệ thống hạ tầng, bến bãi một cách đồng bộ và tiện ích. Trong đó, Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã đưa 17 tuyến xe buýt điện vào khai thác cùng lúc với tuyến Metro số 1, đồng thời đầu tư thêm 5 bãi đỗ phương tiện cá nhân cho hành khách đến ga đi các tuyến Metro. Ngoài xe buýt điện, thành phố cũng đang đẩy mạnh việc bố trí và sử dụng xe đạp công cộng, ô-tô điện, xe buýt trợ giá nhằm tạo thuận lợi, khép kín hành trình di chuyển của người dân đến các nhà ga.

Tiếp tục thực hiện 355 km đường sắt đô thị

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, Metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông đô thị hiện đại, mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn cao, hội nhập và phát triển bền vững của thành phố. Tuyến Metro số 1 sẽ trở thành một không gian công cộng hiện đại, một phần của văn hóa đô thị sống động của thành phố. Thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch giao thông đô thị, phát triển mạnh theo mô hình TOD. Mới đây, thành phố đã đề xuất Chính phủ chủ trương đầu tư bảy tuyến Metro dài khoảng 355 km, hoàn thành vào năm 2035, với vốn đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD. Mục tiêu chung là phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Ðề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị của thành phố đến năm 2035 đã được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất thông qua, đồng thời cũng đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương, Ðảng đoàn, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và gần nhất là Thường trực Chính phủ. Ðể sớm hoàn thành mục tiêu của đề án, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và căn cứ vào Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương 32 chính sách, nhóm chính sách nhằm ưu tiên huy động và bố trí nguồn vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư...

Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, thành viên Hội đồng Tư vấn đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Ðề án thể hiện quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, nhưng cũng là một thách thức to lớn không chỉ với chính quyền thành phố, ngành xây dựng mà còn đối với nhân dân thành phố bởi họ chịu tác động không nhỏ khi đang sinh sống tại các khu vực nằm trong dự án. Trong quá trình triển khai, các bên liên quan cần nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là khi thành phố được phân quyền theo Nghị quyết 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, đồng thời, cần tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực, hướng tới làm chủ hoàn toàn công nghệ xây dựng và giải pháp thi công đường sắt đô thị...

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-rong-khong-gian-giao-thong-cong-cong-post853810.html
Zalo