Mở rộng đường kết nối với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Cùng với việc nỗ lực thi công, sớm đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, TP.HCM cũng đang tăng tốc mở rộng nhiều tuyến đường kết nối ở cửa ngõ sân bay.
Đẩy tiến độ nhà ga mới
Những ngày giữa tháng 9, công trường nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) vẫn đang hối hả. Dù mưa lớn liên tục, gần 30 tốp thi công với hơn 2.400 công nhân của liên danh nhà thầu vẫn luôn bám sát tiến độ.
Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban QLDA nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất cho biết: "Công trường đang bước vào giai đoạn chạy nước rút với 30% sản lượng cuối cùng. Còn khoảng 7 tháng để hoàn thiện nếu tính đến 30/4/2025, nhưng tinh thần chung là 6 tháng sau phải xong đến 99% để còn có thời gian tinh chỉnh trang thiết bị hệ thống".
Trong lúc công trình chính chạy đua tiến độ, các gói thầu vệ tinh cũng đã khởi động để đón đầu. Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, ngay trong tháng 9 đã mời thầu 6 gói thầu thuộc dự án cải tạo hệ thống đèn đường lăn, biển báo điều chỉnh phương thức khai thác và bố trí sân đỗ máy bay nhà ga hành khách T3.
Cảng cũng đã công bố dự án trang bị xe nâng người phục vụ bảo trì trong và ngoài nhà ga T3 với tổng mức đầu tư hơn 10,3 tỷ đồng.
Mở rộng các tuyến đường cửa ngõ
Ngay cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất là công trình trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh do Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) làm chủ đầu tư. Trung tâm này là nơi cung cấp dịch vụ kiểm soát tiếp cận cho cụm các Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau khi nhà ga T3 hoàn thành.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, công trường trung tâm này đã hoàn thành xây thô chỉ trong vòng 6 tháng.
Cùng đó, TP.HCM cũng đang khẩn trương mở rộng nhiều tuyến đường kết nối. Trong đó, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa để hóa giải ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất phía đường Trường Sơn hiện đã thông xe hầm chui quan trọng nhất. TP.HCM cũng sẽ sớm mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dẫn vào nhà ga T3.
"Mục tiêu là hoàn thành nâng cấp mở rộng vào cuối tháng 3/2025, trước khi nhà ga T3 chính thức vận hành. Tuyến đường Hoàng Hoa Thám sẽ mở ra cửa ngõ thứ 2 cho sân bay Tân Sơn Nhất. Toàn bộ khu vực xung quanh sân bay sẽ được khơi thông", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho hay.
Kết nối các nhà ga thế nào?
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang thẩm định phương án tổ chức, kết nối giao thông tổng thể tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trước khi nhà ga T3 hoàn thành.
Dự kiến, hệ thống giao thông dẫn vào nhà ga T1, T2 vẫn giữ nguyên như hiện nay. Đường vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ có hai hướng gồm: theo đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa và đường Hoàng Hoa Thám.
Về phương án kết nối giao thông giữa các nhà ga T1, T2 và T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ thiết lập phương tiện vận chuyển đưa hành khách từ khu vực nhà ga T3 sang khu vực sảnh B ga nội địa T1 và ngược lại. Việc di chuyển trên đường công vụ trong sân đỗ dự kiến tần suất 15 phút/chuyến.
Bên cạnh đó, các đơn vị phục vụ mặt đất và hãng hàng không có thể thực hiện chuyên chở hành khách bất cứ lúc nào để đảm bảo kịp thời việc nối chuyến bay trong những trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, còn có phương án vận chuyển hành khách bằng đường giao thông thành phố. Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã đề xuất phương án vận chuyển hành khách bằng xe buýt với tần suất 10-15 phút/chuyến. Lộ trình dự kiến theo tuyến đường di chuyển từ nhà ga T3, đường Phan Thúc Duyện - Trường Sơn - nhà ga T2- nhà ga T1 và ngược lại.
Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là ga quốc nội có công suất hơn 20 triệu hành khách/năm. Nhà ga có 90 quầy thủ tục, 20 quầy thủ tục hành lý tự động, 42 quầy làm thủ tục check-in tự động áp dụng kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 25 cửa kiểm soát an ninh, 27 cửa ra tàu bay.
Đặc biệt, nhà ga này được thiết kế một khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.