Mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Sau chỉ đạo nóng của Thủ tướng, bây giờ ra sao?
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường huyết mạch kết nối trực tiếp TPHCM với tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu… nhưng do lưu lượng xe tăng nhanh, tuyến đường này thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng, nhất là vào những ngày trước và sau tết vừa qua.
![Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thường kẹt xe trước trạm thu phí Long Phước hướng từ Long Thành về TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_17_51426536/69b602763838d1668829.jpg)
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thường kẹt xe trước trạm thu phí Long Phước hướng từ Long Thành về TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Bò” 10km/giờ trên cao tốc
Vào khoảng 11 giờ trưa mùng 4 tết, một vụ tông xe liên hoàn giữa 3 ô tô 7 chỗ và xe 4 chỗ trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, gây ùn tắc kéo dài, cảnh sát giao thông phải đóng lối vào từ quốc lộ 51 để phân luồng. Tai nạn xảy ra cùng thời điểm có lượng phương tiện từ TPHCM đi về nhiều tỉnh để du lịch dịp tết nên khiến tuyến cao tốc này ùn tắc kéo dài hơn 5km. Phải gần 3 giờ sau hiện trường vụ tai nạn mới được giải phóng...
Rạng sáng 23 tháng Chạp vừa qua, trên đường cao tốc này cũng xảy ra vụ 1 xe đầu kéo bốc cháy dữ dội khi đang chạy, đoạn qua địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Hai làn xe trên tuyến cao tốc bị phong tỏa khiến dòng xe hướng từ TPHCM đi Đồng Nai, Bình Thuận ùn ứ kéo dài.
Đến 7 giờ, cũng trên đường cao tốc này (đoạn qua nút giao quốc lộ 51 khoảng 5km) lại xảy ra một vụ tai nạn liên hoàn, nghiêm trọng giữa 4 xe: container, xe khách 16 chỗ, xe tải và ô tô. 2 vụ tai nạn liên tiếp đã khiến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt xe nghiêm trọng, nhất là những ngày cận tết, khi xe cộ nối đuôi nhau về quê.
Là người thường xuyên di chuyển từ TPHCM về Vũng Tàu, anh Võ Văn Trí (ngụ đường số 8, khu Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) bức xúc, ngày nào cũng vậy, hàng trăm ô tô, xe tải, xe container nối đuôi nhau kéo dài từ TP Thủ Đức (TPHCM) đến nút giao QL 51 Long Thành, tỉnh Đồng Nai mất hơn 2-3 giờ để di chuyển quãng đường chỉ 24 km.
Vào giờ cao điểm, để lên được đường cao tốc, ô tô phải xếp hàng dài nhiều kilomet, nhích như rùa bò qua nút giao An Phú - điểm ùn tắc lớn nhất, vốn là nút “thắt cổ chai”. Khi vào được đường cao tốc, tình trạng lưu thông cũng không khá mấy, nhiều tài xế ức chế bóp còi inh ỏi vì chờ đợi quá lâu.
![Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt xe vào những đêm cuối tuần. Ảnh: HOÀNG HÙNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_17_51426536/7aaf126f2821c17f9830.jpg)
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt xe vào những đêm cuối tuần. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Tuyến cao tốc nhưng thực tế vào giờ cao điểm sáng, trưa, chiều, xe chỉ chạy 5-10 km/giờ. Hướng từ TPHCM ra, qua được khỏi cầu Long Thành mất gần 2 tiếng đồng hồ”, anh Trí nhận xét và phân tích thêm, do lưu lượng xe quá đông, vả lại mỗi bên chỉ có 2 làn đường, nên khi có một vụ va quẹt đơn giản, hoặc có xe chết máy giữa đường là kẹt xe kéo dài!
Loay hoay tìm vốn
Để xử lý tình trạng kẹt xe của tuyến đường này, ngày 3-12-2024, sau khi đi thị sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất bức xúc vì mất 2 năm trời mà hồ sơ mở rộng tuyến đường vẫn chưa xong. Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) phải hoàn thành hồ sơ ngay trong tháng 12-2024 để trình Quốc hội. Đến nay, chỉ đạo của Thủ tướng đã được triển khai thế nào?
Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, thành phố đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để mở rộng đường dẫn hơn 3km của đường cao tốc TPHCM - Long Thành (từ nút giao An Phú đến Vành đai 2, TP Thủ Đức), từ 4 làn xe lên 8 làn xe. Dự án cũng mở rộng đồng bộ 2 cầu Mương Kênh và cầu vượt Đỗ Xuân Hợp. Phần còn lại, VEC được giao nhiệm vụ đầu tư mở rộng tiếp đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 lên 8 làn xe.
Đoạn từ Vành đai 3 đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng sẽ mở rộng thành 10 làn xe. Cầu Long Thành sẽ được bổ sung một nhịp cầu mới, nâng quy mô lên 10 làn xe (tạm chưa có làn khẩn cấp). Tổng vốn đầu tư cho các dự án mở rộng này 14.955 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng)…
Ngày 6-2, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, thông tin: VEC đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng 2 phương án. Phương án thứ nhất là đề xuất cho phép VEC vay lại 15.030 tỷ đồng (tương đương 100% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành; giao VEC là nhà đầu tư thực hiện dự án trong trường hợp đặc biệt; cho phép VEC áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt...
Tuy nhiên, theo VEC và ý kiến của Bộ KH-ĐT, việc vay lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ hiện chưa có quy định, phải trình Quốc hội. Do đó, thời gian hoàn thành dự án theo phương án này sẽ không đáp ứng tiến độ hoàn thành của dự án sân bay Long Thành.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_17_51426536/2dc744077e499717ce58.jpg)
Với phương án thứ 2, VEC kiến nghị được giao làm chủ đầu tư dự án và sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành. VEC sẽ ứng trước kinh phí khoảng 700 tỷ đồng để thực hiện sớm bước chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế bản vẽ thi công, một phần chi phí giải phóng mặt bằng. Sau khi dự án được bố trí vốn đầu tư công, cơ quan chức năng sẽ hoàn trả VEC. Công ty đang chờ Chính phủ cho ý kiến về phương án này. Nếu được chấp thuận, dự kiến khởi công tháng 7-2025.
Cũng nằm trong kế hoạch tăng năng lực của VEC, đảm bảo điều kiện triển khai các dự án đầu tư, mở rộng các tuyến đường cao tốc, trong đó có dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành, Thủ tướng vừa có tờ trình Quốc hội đề nghị tăng vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC. Hiện tại, vốn điều lệ VEC rất thấp, chỉ 1.115 tỷ đồng so với quy mô đầu tư khoảng 108.865 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho VEC có thể huy động các nguồn vốn, mức vốn điều lệ cần bổ sung là 38.251 tỷ đồng. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét tăng vốn điều lệ cho VEC trong chương trình kỳ họp bất thường thứ 9 sắp tới.