Mở rộng diện tích trồng mía

Năm nay, nông dân xã Bản Giang (huyện Tam Đường) trồng 60ha mía (tăng 10ha so với năm trước). Hiện nay, sáng sớm có sương mù, nhiệt độ trong ngày thất thường (sáng, tối lạnh) là điều kiện thuận lợi cho rệp hại mía phát triển. Do đó, nông dân xã Bản Giang đang tích cực chăm sóc, phun thuốc phòng trừ rệp cho toàn bộ diện tích mía.

Trước đây, diện tích mía của xã tập trung nhiều ở các bản: Tẩn Phủ Nhiêu, Bản Giang, Cốc Pa nhưng nay đã mở rộng sang các bản: Suối Thầu, Nà Bỏ, Bản Giang. Bởi, về giá trị kinh tế, 1ha mía thu nhập gần 100 triệu đồng/vụ (cao gấp 3 lần trồng lúa). Vừa qua, hơn 80% diện tích mía của xã bị nhiễm rệp nặng. Cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động; cử cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ. Đặc biệt, khuyến cáo cần phun thuốc diệt rệp hại mía khi trời nắng, nóng để đạt hiệu quả cao hơn. Nhờ đó, diện tích mía ảnh hưởng đã kịp thời khống chế, không lây lan thêm.
Bản Suối Thầu có 145 hộ dân, 100% thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện bản có 12ha mía. Đảm bảo chất lượng mía thành phẩm, nông dân chủ động chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, nhất là rệp hại mía. Hiện, nhiều hộ đã có mía bán cho tư thương.
Gia đình chị Phàn Thị Đánh ở bản Suối Thầu nhiều năm qua chuyển đổi 0,4ha ruộng sản xuất 1 vụ lúa sang trồng mía; vào dịp cuối năm bắt đầu thu hoạch và đạt tổng thu nhập 60 triệu đồng/vụ. Trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, thu lãi 30 triệu đồng. Theo tính toán của chị Đánh, trồng mía có thu nhập cao hơn cấy lúa, trồng ngô. Trong vụ mía năm nay, diện tích mía của gia đình chị bị rệp gây hại, nhờ được chăm sóc tốt, phòng trừ kịp thời không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

Người dân xã Bản Giang (huyện Tam Đường) chăm sóc mía.

Người dân xã Bản Giang (huyện Tam Đường) chăm sóc mía.

Gia đình chị Vàng Thị Liên ở bản Cốc Pa, 5 năm gần đây cũng đã chuyển đổi 3.000m2 ruộng cấy 1 vụ lúa sang trồng mía, hiện toàn bộ diện tích chuẩn bị được bán. Chị Liên tâm sự: “Cây mía dễ trồng, dễ chăm sóc, khi bị rệp gây hại, tôi đã tiến hành bóc bẹ mía, mua thuốc phun phòng trừ sớm nên chỉ một lần là hết. Năm nay, gia đình tôi đã bán cả vườn cho tư thương, trừ chi phí cũng lãi trên 40 triệu đồng”.
Không chỉ chủ động phòng trừ dịch bệnh, ở các khâu trồng, chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của mía cũng được nông hộ trong xã chú trọng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, các hộ trồng mía mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn huyện kết nối với công ty, doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mía để tư thương không ép giá và bà con yên tâm tiếp tục mở rộng diện tích, tăng thu nhập.
Theo ông Lò Văn Cheo - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Giang, thời điểm cuối tháng 9, nhiều diện tích mía trên địa bàn bị rệp gây hại. Đây là giai đoạn sinh trưởng, tích lũy đường của cây mía. Cấy ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn bà con phòng trừ rệp kịp thời, đảm bảo hiệu quả. Dự kiến, cây mía được thu hoạch đồng loạt vào cuối tháng 11 sắp tới”.
Tái cơ cấu nông nghiệp, xã Bản Giang đã và đang đưa vào trồng nhiều loại giống cây mới, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao trên đất ruộng, đồi, nương. Và, trồng mía đang được coi là hướng đi đúng, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Thu Minh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%E1%BB%9F-r%E1%BB%99ng-di%E1%BB%87n-t%C3%ADch-tr%E1%BB%93ng-m%C3%ADa
Zalo