Mở rộng cơ hội lựa chọn, phân luồng sau THCS

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó đề xuất nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, cấp văn bằng, tổ chức bộ máy trường học và thủ tục hành chính… Đáng chú ý là việc mở rộng cơ hội lựa chọn và phân luồng sau bậc học THCS.

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục không còn trường trung cấp, bằng trung cấp; thay vào đó là trường trung học nghề dạy chương trình tích hợp kiến thức THPT để cấp bằng trung học nghề. Trung cấp sẽ là một trình độ trong trường trung học nghề và được cấp chứng chỉ.

Ông Nguyễn Thế Lực - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh, bổ sung này kịp thời và đúng đắn, nhằm giải quyết tình trạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gặp nhiều vướng mắc trong đào tạo đối với đối tượng học sinh học hết lớp 9 theo học nghề (hệ 9+) và mở rộng cơ hội lựa chọn, phân luồng sau THCS; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập liên thông sau này. Với việc sửa đổi như dự thảo Luật, học sinh lớp 9 sẽ có 3 lựa chọn: Vào THPT; học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp; học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề. Điều này giúp đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước, đồng thời dần tiệm cận với tiêu chuẩn phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục (ISCED), UNESCO. Bên cạnh đó, quy định về mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được sửa đổi nhằm đảm bảo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thống nhất với Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Các quan điểm khác cũng đồng tình với điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cấp học giáo dục nghề nghiệp gồm trung học nghề và cao đẳng nghề. Trong đó, trung học nghề dành cho học sinh sau THCS; cao đẳng dành cho người học sau THPT hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng.

Nhận định về sự thay đổi này trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, việc loại bỏ khái niệm trường trung cấp và thuật ngữ “trình độ trung cấp” không đơn thuần là hành động kỹ thuật, mà là bước đi mang tính chiến lược cải cách hệ thống giáo dục. Nó thể hiện sự nghiêm túc trong việc chuẩn hóa hệ thống, minh bạch hóa lộ trình học tập, và hiện đại hóa khung pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo ông Vinh, khung phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục ISCED 2011 của UNESCO không có cấp học nào mang tên “trung cấp”.

Liên quan đến định hướng, phân luồng sau bậc học THCS, cuối tuần qua Bộ GDĐT cũng đã công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về công tác hướng nghiệp và phân luồng, nhằm lấy ý kiến từ các tổ chức, cá nhân. Đây là nội dung nhằm cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019 và triển khai Chỉ thị số 29 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030.

Với 5 chương, 14 điều, dự thảo Nghị định bao quát toàn diện các khía cạnh của công tác hướng nghiệp và phân luồng. Trong đó, về nguyên tắc hướng nghiệp và phân luồng, dự thảo Nghị định quy định 4 nguyên tắc nhằm bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng học sinh và nhu cầu phát triển nhân lực gồm: bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền được định hướng nghề nghiệp và được tôn trọng lựa chọn hướng học tập, nghề nghiệp của học sinh; bảo đảm tính hệ thống, liên tục; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Về định hướng phân luồng, dự thảo Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể các lựa chọn sau khi hoàn thành chương trình THCS và THPT, gồm: học tiếp, học nghề hoặc tham gia thị trường lao động.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ủng hộ điểm sửa đổi này trong dự thảo luật. Ông cho biết ở nhiều quốc gia, giáo dục trung học bậc cao (upper secondary education) có 2 luồng là THPT (general secondary education) và trung học nghề (vocational secondary education). Bằng trung học nghề và bằng tốt nghiệp THPT hoàn toàn bình đẳng, tương đương với nhau và đều cùng đạt cấp độ 3 về học vấn.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-rong-co-hoi-lua-chon-phan-luong-sau-thcs-10306096.html
Zalo