Mở rộng cơ hội kinh doanh trên lĩnh vực TMĐT

Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18-25% mỗi năm. Điều này cho thấy tiềm năng và xu hướng kinh doanh trên nền tảng này còn rất nhiều dư địa.

Từ năm 2024, trào lưu mua sắm đi kèm với giải trí ngày càng thể hiện rõ ràng. Nắm bắt thị hiếu người dùng, TikTok Việt Nam đã xây dựng một không gian sáng tạo miễn phí dành riêng cho nhà sáng tạo nội dung, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội của mình.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết: “Trong năm 2024, theo chúng tôi quan sát đã có tới gần 4 triệu nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp có nguồn thu nhập từ nền tảng TikTok và cộng đồng này có nhu cầu kết nối rất lớn với các thương hiệu, doanh nghiệp, nhãn hàng để đưa ra những ý tưởng bán hàng sáng tạo mới".

“Không gian này không những cho chúng tôi sáng tạo mà còn là nơi để gặp gỡ những nhà sáng tạo khác và các thương hiệu. Ngoài ra còn có một không gian để tổ chức sự kiện cho các brand, thương hiệu muốn kết nối kinh doanh. Đây đều là những thành phần quan trọng trong công việc của chúng tôi", anh Hoàng Văn Khoa - Nhà Sáng tạo nội dung và bán hàng trên Thương mại điện tử cho biết.

Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển xuất khẩu trực tuyến” mới đây, các chuyên gia cho biết, 93% doanh nghiệp đã khẳng định không thể tiến hành xuất khẩu nếu không thông qua nền tảng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, chi phí logistics cao, thiếu hụt nhân tài và hạn chế kiến thức về các thị trường nước ngoài vẫn là những rào cản lớn. Theo ông Đoàn Quốc Tâm - Trưởng Ban hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã yếu và thiếu nhân lực cho vấn đề này. Ngoài ra, liên quan đến hoạt động logistics để hoàn tất đơn hàng cho xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì phí không hề thấp và đây là một trong những trở ngại cần chính sách khuyến khích của Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp”.

Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn OSB Group đánh giá: "Chi phí thấp và đem lại hiệu quả cao, tôi thấy những yếu tố đó doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng để xúc tiến thương mại điện tử, hướng tới những thị trường, địa bàn ngoài tầm với, vươn ra thị trường quốc tế như Đông Nam Á, khu vực châu Âu, Mỹ".

Có thể thấy, thương mại điện tử đã khiến hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trước sự du nhập mạnh mẽ của các nhà bán và sàn thương mại điện tử nước ngoài, doanh nghiệp Việt vẫn cần chú trọng vào giá trị của sản phẩm hàng hóa bán ra, những giá trị cốt lõi như: sản phẩm địa phương đặc trưng; sản phẩm được cá nhân hóa; hay sản phẩm từ nguyên liệu Việt Nam, thân thiện môi trường...

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/mo-rong-co-hoi-kinh-doanh-tren-linh-vuc-tmdt-289750.htm
Zalo