Mở ra cơ hội điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức về điều trị ung thư tuyến tiền liệt (hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến), Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi hội thảo khoa học chuyên đề 'Điều trị ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa từ chẩn đoán đến điều trị' kết hợp chuyển giao kỹ thuật 'Sinh thiết tuyến tiền liệt'.

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Đình Phúc, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện K chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Đình Phúc, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện K chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi hội thảo, Thạc sĩ, bác sĩ CKII Trần Văn Thiết, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: Việc tổ chức hội thảo với sự tham gia của chuyên gia đến từ Bệnh viện K có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần chia sẻ kinh nghiệm trong sinh thiết tuyến tiền liệt, chẩn đoán ung thư tiền liệt. Qua hội thảo sẽ nâng cao được các kỹ năng, kinh nghiệm cho các y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa trong chẩn đoán liên quan đến các bệnh về tuyến tiền liệt. Đây là cơ hội để các bác sĩ và nhân viên y tế trong bệnh viện trao đổi thông tin, nâng cao chất lượng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính phát triển trong tuyến tiền liệt, gặp ở nam giới, đặc biệt là độ tuổi trên 50. Theo dữ liệu Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) thống kê năm 2022, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến thứ 4 trên thế giới và phổ biến thứ hai ở nam giới. Tại Việt Nam, có gần 6.000 ca mắc mới và 2.800 trường hợp tử vong.

Giai đoạn đầu ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng nên có thể chỉ được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. Nếu có triệu chứng, nam giới thường khó đi tiểu, thường xuyên buồn tiểu, nhất là vào ban đêm, dòng nước tiểu yếu, có máu hoặc tinh dịch trong nước tiểu, đau khi tiểu hoặc xuất tinh, đau ở lưng, hông hoặc xương chậu. Người bị ung thư tuyến tiền liệt tiến triển thậm chí không có triệu chứng. Các dấu hiệu tiềm ẩn phụ thuộc vào kích thước và tình trạng của khối u. Giai đoạn muộn có thể xuất hiện triệu chứng như đau xương, giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi...

Hiện không rõ nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến tiền liệt, nhưng có một số yếu tố nguy cơ như sau: Về tuổi tác, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng lên sau tuổi 50, ít gặp trước tuổi 45. Về tiền sử gia đình, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu người thân từng mắc ung thư tuyến tiền liệt. Về di truyền, các đặc điểm di truyền, bao gồm những thay đổi ở gene BRCA1 và BRCA2, có thể làm tăng nguy cơ. Về chế độ ăn uống nhiều chất béo có thể khiến khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Một điều đáng mừng là tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt đang giảm dần nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, sự hiểu biết về loại ung thư này giúp mọi người có ý thức hơn trong việc tầm soát và điều trị bệnh sớm.

Tại hội thảo khoa học, các đại biểu đã được các báo cáo viên Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện K cập nhật các kiến thức mới nhất về chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt từ lý thuyết tới thực hành lâm sàng: Chẩn đoán Ung thư tuyến tiền liệt; quy trình chẩn đoán và sinh thiết tuyến tiền liệt; vai trò đồng vận LHRH trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt..., qua đó giúp các y, bác sĩ có phác đồ điều trị tối ưu nhất, giúp nâng cao hiệu quả trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt cho các bệnh nhân.

Trong khuôn khổ chương trình, Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Đình Phúc, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện K đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật “Sinh thiết tuyến tiền liệt” cho các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa trên 3 bệnh nhân: Bệnh nhân thứ nhất là L.K.V., 62 tuổi, có biểu hiện tiểu buốt, tiểu dắt đi khám phát hiện phì đại tiền liệt tuyến, vào Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng trung bình được bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt có tiêm thuốc tương phản, sau khi chụp MRI thì cho kết quả hình ảnh đám tổn thương vùng ngoại vi trái.

Bệnh nhân thứ 2 là P.H.T., 72 tuổi, tháng 8/2024 được chẩn đoán K bàng quang đã điều trị phẫu thuật nội soi cắt u bàng quang, đợt này bệnh nhân đau tức hạ vị, tiểu buốt, tiểu khó, bệnh nhân có tiền sử phì đại tiền liệt tuyến chưa điều trị, vào Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng trung bình, không sốt, người mệt mỏi ăn uống kém, da niêm mạc kém hồng, được bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ vùng chậu có tiêm chất tương phản, sau khi chụp MRI cho kết quả đám tổn thương vùng chuyển tiếp trái/phì đại tuyến tiền liệt, dày thành bàng quang.

Bệnh nhân thứ 3 là H.C.C., 81 tuổi, xuất hiện đau tức hạ vị, khó tiểu gây sút cân, bệnh nhân có tiền sử phì đại tiền liệt tuyến, vào Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng trung bình, người mệt mỏi ăn uống kém, già cả suy kiệt, được bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính bụng - tiểu khung thường quy cho kết quả TD u tuyến tiền liệt/phì đại tiền liệt tuyến, hạch tiểu khung, nang hai. Cả 3 ca sinh thiết tuyến tiền liệt đều diễn ra thành công.

Với việc nắm bắt được kỹ thuật “sinh thiết tuyến tiền liệt” sẽ là cơ hội để nhiều trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt được tầm soát và chẩn đoán sớm hơn. Đây cũng là cơ hội để các bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực chẩn đoán và điều trị, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh, giúp giảm đáng kể tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/mo-ra-co-hoi-dieu-tri-nbsp-ung-thu-tuyen-tien-liet-224415.htm
Zalo