Mở lối tri thức cho trẻ khiếm thị

HNN - Hiểu rằng sách giáo khoa chữ Braille (chữ nổi) là công cụ tốt nhất giúp phát triển chức năng xúc giác, nâng cao khả năng học hòa nhập và tiếp thu kiến thức, nhiều năm qua, các cán bộ Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù thành phố Huế đã dành nhiều tâm huyết nhân bản sách giáo khoa này, mở ra con đường tiếp cận tri thức, xây dựng tương lai cho các em.

 Sách giáo khoa chữ Braille - nguồn tài liệu học tập quý giá của em Mỹ Ngọc

Sách giáo khoa chữ Braille - nguồn tài liệu học tập quý giá của em Mỹ Ngọc

Những cuốn sách nặng tình thầy trò

Trong lớp học nhỏ của Trường Tiểu học Trường An, em Nguyễn Phan Mỹ Ngọc (học sinh lớp 5/1) chăm chỉ dò từng dòng chữ nổi trên trang giấy trắng. Cuốn sách giáo khoa mà em đang sử dụng chỉ có một màu trắng, điểm khác biệt là được in chữ nổi với những chấm nhỏ đều đặn, ngay hàng thẳng lối. Khác với các bạn dùng mắt để đọc, Mỹ Ngọc phải dùng đôi tay khéo léo rà từ trái sang phải, từ trên xuống dưới để “nhìn” bằng xúc giác. Đó chính là thành quả của quá trình thầm lặng mà đầy tận tâm của các thầy cô, cán bộ tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù thành phố Huế - những người đã không quản ngày đêm nhân bản sách chữ Braille cho các em.

Hiện nay, Trung tâm có 31 học sinh đang theo học, từ lớp 1 đến đại học. Để giúp các em tiếp cận kiến thức, sách giáo khoa chữ nổi là điều vô cùng thiết yếu. Nhờ phần mềm The Duxbury Braille Translation, các văn bản chữ in sáng được chuyển đổi sang chữ Braille, sau đó in ra nhờ máy in chuyên dụng. Đây là cả một quy trình công phu, đòi hỏi cẩn trọng từng chi tiết để phù hợp với cách học đặc thù của học sinh khiếm thị.

Ông Hoàng Tuấn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù thành phố Huế, người đã gắn bó với công việc làm sách giáo khoa chữ Braille từ năm 2017 cho biết: “Một cuốn sách Braille khoảng 225 trang sẽ mất hơn hai tiếng rưỡi để máy in hoàn thành. Dù đã có file word và chuyển đổi xong, trung bình mỗi buổi cũng chỉ in được hai cuốn. Vì vậy, ngoài công việc chính, nhiều đêm tôi phải thức khuya để kịp làm sách cho các em”.

Không chỉ thời gian, việc in sách còn gặp muôn vàn khó khăn. Ông Hải chia sẻ: “Khó nhất là bố trí bố cục. Trong sách thường, chú thích hoặc yêu cầu bài học được đặt một góc nhỏ, rất dễ quan sát. Nhưng khi chuyển sang Braille sẽ trở nên rối rắm, đòi hỏi chúng tôi phải sắp xếp lại thật hợp lý. Ngoài ra còn lỗi chính tả, căn chỉnh dòng. Đặc biệt, hiện chưa có công nghệ in hình minh họa chuyên biệt, nên những bài có tranh ảnh, các em không thể tiếp cận”.

Sách Braille có đặc điểm dày, to và nặng hơn sách chữ sáng gấp 2-3 lần, bởi chữ nổi cần không gian lớn để tạo các chấm xúc giác. Do đó, một cuốn sách giáo khoa thông thường khi chuyển sang Braille phải chia thành 2-3 tập nhỏ. Khổ sách to dày khiến các em phải mang vác nặng hơn bạn bè, dễ bị xổ gáy, bảo quản khó khăn. Nhưng đây vẫn là công cụ duy nhất, phù hợp nhất giúp các em tiếp cận chương trình chính khóa, nhất là với học sinh tiểu học chưa quen dùng công nghệ.

Khát khao có bộ sách riêng

Tuy vất vả nhưng các cán bộ Trung tâm vẫn nỗ lực ngày đêm vì nhìn thấy sự háo hức, khát khao tri thức của các em. Em Trần Thu Ngân (học sinh lớp 9/2, Trường THCS Hùng Vương) tâm sự: “Vì chưa có đủ sách Braille, ở lớp em chỉ nghe thầy cô giảng rồi nhờ bạn đọc lại để chép bài vào vở. Nếu có đủ sách, em sẽ có thêm thời gian tự học, tự khám phá kiến thức”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Ngữ (phụ huynh của em Mỹ Ngọc) thường xuyên hỗ trợ đánh máy file word để giúp Trung tâm giảm tải công đoạn soạn thảo. Anh mong mỏi: “Thật tốt nếu các nhà xuất bản có thể cung cấp miễn phí file sách giáo khoa cho các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật. Chúng tôi cam kết bảo mật, chỉ dùng với mục đích nhân văn, giúp đỡ những người yếu thế”.

Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là vấn đề bản quyền. Trung tâm chưa có đủ file chế bản sách giáo khoa để có thể nhân bản đồng bộ. Trong khi đó, chất lượng học tập của học sinh khiếm thị phụ thuộc rất nhiều vào việc được tiếp cận sách Braille. Đây là vấn đề cấp bách, cần sự phối hợp từ các cơ quan, ban ngành, nhà xuất bản và cộng đồng xã hội.

Dù con đường phía trước còn dài, song hành trình đầy ý nghĩa này đang thắp lên niềm hy vọng mở lối tri thức cho những trẻ khiếm thị, để các em được lớn lên, học tập, nuôi dưỡng ước mơ như bao bạn bè cùng trang lứa.

Bài, ảnh: Phước Ly

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/mo-loi-tri-thuc-cho-tre-khiem-thi-155692.html
Zalo